3 bộ ngành cùng hướng dẫn doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất

Liên Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa thống nhất hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo các điều kiện an toàn để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng.

Theo hướng dẫn số 2242 của ba đơn vị này, các doanh nghiệp được bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại doanh nghiệp (DN) trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định thì không thực hiện phương án này.

Việc bố trí làm việc, nơi ở tập trung tại DN phải đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên bộ, ngành cũng lưu ý các DN chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi DN và người lao động thực sự an toàn.

Liên bộ yêu cầu việc bố trí làm việc, nơi ở tập trung tại DN phải đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch, công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Điều kiện để an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với DN: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức nguy cơ thấp trở xuống (<30%); đã thực hiện ký Bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19; có kế hoạch phòng, chống COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19; không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế. Đồng thời, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Sars-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và và nơi làm việc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.

Đối với người sử dụng lao động: DN thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung). Đồng thời, đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.

Cùng đó, DN yêu cầu nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động; chăm lo đảm bảo trước hết, trên hết quyền lợi và an toàn cho người lao động; lập danh sách thông tin người lao động theo mẫu và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hàng ngày (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Điều kiện đối với người lao động: Thứ nhất là địa phương đang thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc, người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Sars-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương.

Thứ hai, địa phương đang thực hiện giãn cách mà cần phải bố trí người lao động lưu trú tập trung tại DN để phòng dịch, hoặc nơi lưu trú tập trung do DN tổ chức thì người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào nơi lưu trú tập trung. Trong thời gian ở khu lưu trú tập trung của DN, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, người lao động có thể phải tiếp tục được xét nghiệm.

Theo ghi nhận của PLO, nhiều DN tại TP.HCM cho biết họ không kịp trở tay khi thực hiện phương châm 3 tại chỗ do quy mô lao động lớn, thời gian chuẩn bị cập rập và nhiều chi phí để lo chỗ ở, xét nghiệm COVID-19...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm