228 ngư dân bị Indonesia bắt giữ đã về nước an toàn

Ngay trong ngày, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện các thủ tục cần thiết và bàn giao ngư dân cho đại diện các tỉnh liên quan.
Đây là số ngư dân có hoạt động đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia thời gian qua và đã được phía Indonesia trao trả ngày 14-9 vừa qua.
Việc tiếp nhận số lượng ngư dân lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia với các bộ, ngành và địa phương liên quan trong hơn hai tuần vừa qua.
Việc bàn giao đã đảm bảo an toàn, nhanh chóng, mặc dù điều kiện biển có sóng to, gió lớn.
Trước đó, ngay sau khi Indonesia thông báo đồng ý trao trả 228 ngư dân về nước trong tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo sát sao các cơ quan chức năng như: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Thuận, Bình Định và Tiền Giang,... lập kế hoạch, tổ chức nhân lực, phương tiện, tiến hành xác minh để tiếp nhận và đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho 228 ngư dân về nước trong thời gian sớm nhất.
Việc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân và đảm bảo đưa ngư dân về nước an toàn là công việc được thực hiện thường xuyên.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các bộ, ban, ngành liên quan luôn tích cực, chủ động làm việc với cơ quan chức năng các nước để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân ta trong quá trình bị bắt giữ hoặc xét xử.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã, đang và phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam, đảm bảo tôn trọng vùng biển các nước liên quan, không vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi vi phạm pháp luật, đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước ngoài. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của luật pháp các nước sở tại, thông lệ quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm