2021, sức mạnh để vươn lên

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương những ngày cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta thống nhất chủ đề năm 2021 là: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo (ĐMST), khát vọng phát triển”. 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nói: Định hướng của Thủ tướng và Chính phủ thể hiện rằng: Việt Nam năm 2021 và các năm sau sẽ vẫn tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, sáng tạo để tận dụng các điều kiện thuận lợi. “Bối cảnh 2021 và nhiệm kỳ sau sẽ đem đến cho Việt Nam các cơ hội và thách thức như là tiền đề để tiếp tục ĐMST vì lợi ích quốc gia” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông. Ảnh: CL

Đã có nhiều nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

. Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, đất nước ta theo tôi lúc nào cũng có những điều kiện để ĐMST. Vì vậy, chúng ta mới có công cuộc Đổi mới 1986. Tuy nhiên, tôi cho rằng bối cảnh ĐMST hồi 1986 và bây giờ là khác nhau. Những điều kiện thuận lợi hiện nay cũng có thể là sức ép rất lớn cho ĐMST.

+ Mấy năm gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CM 4.0). Sự thật là CM 4.0 đang tác động đến mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân, doanh nghiệp (DN): Từ giao thông đến ngân hàng, từ hành chính đến tiêu dùng, từ thị trường trong nước đến toàn cầu… 

Tận dụng những thành tựu của CM 4.0 không chỉ là việc của người dân, DN. Đảng và Nhà nước còn có hẳn Nghị quyết 52/2019 về vấn đề này, trong đó đánh giá là mức độ chủ động tham gia CM 4.0 của nước ta còn thấp… Khoa học - công nghệ và ĐMST chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống ĐMST quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả.

Ngoài động lực là nghị quyết nêu trên, chúng ta còn có những động lực cho ĐMST khác như: Dịch chuyển đầu tư quốc tế, các FTAs thế hệ mới, các yếu tố nội tại của Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, định hướng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của trung ương, thậm chí là ngay cả COVID-19 cũng là một động lực cho ĐMST. Tất cả đều nhắm một mục tiêu là đưa ĐMST thành một trong những hoạt động chủ yếu nâng cao vị thế và năng lực của quốc gia.

. Chúng ta cần cụ thể hóa các mục tiêu để ĐMST thực sự trở thành động lực phát triển cho năm 2021. Một trong những việc cần làm chính là phải có những nơi hội tụ được các tổ chức, cá nhân chuyên về ĐMST?

+ Đây cũng chính là một trong những chính sách mà Nghị quyết 52/2019 đã đặt ra. Bên cạnh việc cơ cấu lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ công lập, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt cho các trung tâm ĐMST thì nghị quyết coi DN là trung tâm; các trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể. Cạnh đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cũng được rà soát và ban hành để phát triển các công nghệ cốt lõi của CM 4.0, các chương trình hỗ trợ DN nghiên cứu và ứng dụng cũng được đề cập. 

Một cách cụ thể, nghị quyết nói trên cũng đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá đối với các khu công nghệ cao. Việc nghị quyết lấy các khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng và TP.HCM làm cơ sở để phát triển các khu đô thị sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế đã dần được cụ thể hóa. 

Mấy ngày nữa thôi, Trung tâm ĐMST Quốc gia tại Hòa Lạc sẽ được khởi công nhằm cụ thể hóa chính sách này. Cùng với đó, việc thành lập TP Thủ Đức mà nhiều lãnh đạo, DN kỳ vọng sẽ trở thành khu vực kinh tế lớn thứ ba của cả nước cũng là một trong những hành động cụ thể trong bối cảnh ĐMST được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Các sáng tạo vì cộng đồng đều đáng trân trọng

. Người dân và DN vẫn đang được thừa hưởng và tận dụng được những lợi thế do ĐMST mà Đảng, Nhà nước đã có chủ trương và các bộ, ngành tiến hành...

+ Thực tế các bộ, ngành, ở một góc độ nào đó đã chủ động, tích cực tham gia CM 4.0 bằng những đề án, chiến lược và hành động ĐMST cụ thể. CM 4.0 rõ ràng vừa mang lại thách thức vừa mang lại cơ hội nhưng chúng ta đã tận dụng được các cơ hội một cách tốt hơn. 

Bởi như đề cập ở trên, Nghị quyết 52/2019 đã đề ra phương hướng “ĐMST quốc gia theo hướng lấy DN làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh”.

Chính định hướng ấy đã bước đầu kết nối đầy đủ các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST trong giai đoạn tới. 

. Dù đã được nói đến nhiều nhưng tôi nghĩ hình như ĐMST là một vấn đề mà không phải bất kể người dân nào cũng hiểu được. Quan điểm của Thứ trưởng về ĐMST là gì?

+ Không chỉ riêng tôi, mà ngay cả các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH&ĐT chúng tôi xác định rằng: ĐMST không chỉ là những gì cao siêu mà còn là những sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng, những sáng kiến nhỏ có ích cho cộng đồng. ĐMST là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể. 

ĐMST có thể thực hiện hằng ngày, hằng giờ, trong những hoạt động từ đơn giản đến phức tạp của cá nhân, tổ chức, DN. Tư duy ĐMST cần được trang bị và khuyến khích trong mỗi người dân, để người dân vừa là đối tượng của các chính sách thúc đẩy ĐMST nhưng cũng đồng thời là chủ thể chính của các hoạt động ĐMST.

TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực kinh tế lớn thứ ba của cả nước. Trong ảnh: Một góc TP Thủ Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đổi mới sáng tạo còn là thước đo với cán bộ

.Chúng ta đo đếm tác động của ĐMST đối với xã hội, đối với kinh tế như thế nào, thưa Thứ trưởng? 

+ Điểm đầu tiên có thể kể đến là ĐMST đã thúc đẩy các bộ, ngành lập và triển khai các chiến lược, đề ra các giải pháp và thực thi ĐMST trong mọi hoạt động. Điều ấy giải thích tại sao dù Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19 nhưng tăng trưởng vẫn dương, đạt được nhiều thành tựu về xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu ngân sách vẫn ở mức cao và thể chế vẫn được cải cách đáp ứng được yêu cầu phát triển. 

ĐMST, tôi cho rằng là một trong những giải pháp giúp cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể thoát được bẫy thu nhập trung bình khi chính ĐMST buộc các cơ quan, tổ chức… phải thay đổi mô hình quản trị, cách thức quản lý và phương pháp kinh doanh. 

Bình diện quốc gia thì chúng ta cũng đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. ĐMST, tôi thấy đã tác động đến từng người dân, từng DN, từng bộ, ngành và cả những định hướng vĩ mô.

. Một trong những kỳ vọng của người dân, DN là ĐMST cũng phải được triển khai có hiệu quả đối với hệ thống hành chính, mà cụ thể là trong từng cán bộ, công chức. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

+ Tôi cho rằng ĐMST trong cơ quan nhà nước gần đây cũng được triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực. Chúng ta biết cán bộ, công chức là những người phải tuân theo nguyên lý “chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Và hệ thống pháp luật của chúng ta không phải không có những ĐMST để tạo thuận lợi cho người dân và DN. Có thể nói rằng: Cán bộ, công chức thực hiện công vụ theo pháp luật thì đã đạt được hiệu quả, mang lại thuận lợi cho người dân, cho DN. 

Thực tế thì các giải pháp ĐMST trong hành chính công cũng được triển khai và gắn chặt với việc đánh giá cán bộ, công chức với những tiêu chí cụ thể.

Chẳng hạn: Mỗi năm mỗi cơ quan có 15% cán bộ, công chức được xếp hạng chiến sĩ thi đua. Một trong những tiêu chí để đạt được danh hiệu này là phải có báo cáo sáng kiến. Những sáng kiến như đề ra giải pháp rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ công chất lượng, phù hợp quy định cho công dân, DN cũng có thể coi là theo tinh thần ĐMST.

Còn thực tế, tôi nhận thấy một cán bộ, công chức tích cực trao đổi với nhiều bên, nhiều cơ quan có thẩm quyền thì việc thực hiện các quy định pháp luật sẽ nhanh hơn, phù hợp với các quy định. Bởi vậy, tôi cho rằng ĐMST trong cán bộ, công chức chính là thực hiện tốt các quy định nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

. Xin cám ơn Thứ trưởng.

Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn

ĐMST luôn là một yêu cầu tự thân của đất nước, của bất kể một tổ chức, DN nào, thậm chí là của từng cá nhân.

Ở bình diện quốc gia, chúng ta biết rằng từ trước năm 1986, yêu cầu ĐMST đã nảy nở và là tiền đề cho công cuộc đổi mới được khởi đi từ Đại hội VI của Đảng.

Chúng ta có những ký ức không mấy vui vẻ về thời bao cấp và lúc đó, đổi mới như một “mệnh lệnh của cuộc sống”. Nó được hiện thực thành những mục tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội... của Đại hội VI.

Những mục tiêu cơ bản ấy đã để lại dấu ấn rất rõ cho đến thời điểm này. Có thể nói rằng: Hành động, sáng kiến đổi mới của nhân dân từ thực tiễn chính là nguồn gốc cho đường lối đổi mới kinh tế của Đảng 35 năm trước. Đương nhiên, để đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì tiến hành ĐMST như yêu cầu của Thủ tướng và Chính phủ là hết sức cần thiết.

Muốn ĐMST một cách thực chất thì phải thực hiện cải cách thể chế căn cơ, đúng như Thủ tướng mới đây vừa nhắc lại: “Thể chế, thể chế và thể chế”.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Năm 2021: Kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn

Các hiệp định CTTPP, EVFTA… mà Việt Nam ký kết tiếp tục mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam đi vào thị trường thế giới trong năm tới.

Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho biết năm 2021 sẽ là năm đầy những thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội để nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến mới.

2021, sức mạnh để vươn lên ảnh 3
Các hiệp định CTTPP, EVFTA…tiếp tục mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam đi vào thị trường thế giới trong năm tới. Trong ảnh: Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại một công ty ở Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính:

2021, sức mạnh để vươn lên ảnh 4
 

Nhiều cơ hội phát triển
trong năm mới

Chính phủ vừa tăng chỉ tiêu GDP năm 2021 từ 6% lên 6,5% khi Việt Nam đã vượt qua một năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là tiền đề để Việt Nam bước một bước nhanh hơn nữa trong năm 2021.

Chỉ tiêu GDP 6,5% có khả thi hay không tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Thứ nhất, Việt Nam có tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh hay không. Thứ hai, nền kinh tế thế giới cũng phải ổn định, các quốc gia phải kiểm soát được dịch bệnh. Các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc… phải có sự ổn định thì Việt Nam mới có thể khai triển được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Năm vừa qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh với GDP tăng 2,91%. Đây dù là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng vẫn là điểm sáng trong nền kinh tế thế giới. Bởi phần đông các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm và thấp hơn Việt Nam rất nhiều. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh hơn với nhiều cơ hội trong năm 2021.

Cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký kết như CTTPP, EVFTA… mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam đi vào thị trường thế giới. Năm 2021, những lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển là nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Ngoài ra còn có các thị trường như tài chính, chứng khoán, bất động sản…

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T:

2021, sức mạnh để vươn lên ảnh 5

Rau quả Việt tiếp tục đắt khách

Năm 2021, chắc chắn chúng ta vẫn phải sống chung với dịch COVID-19, cũng phải tới tháng 7, tháng 8 nền kinh tế mới có hy vọng cải thiện.

Đối với ngành nông nghiệp nông sản, nhất là rau quả xuất khẩu thì năm 2021 có rất nhiều dư địa để phát triển. Rau quả Việt được người tiêu dùng thế giới rất ưa chuộng vì tốt cho sức khỏe. Quan trọng là các DN Việt Nam phải làm tốt chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới.

Năm vừa qua, Bộ Công Thương đã làm tốt công tác xúc tiến thương mại, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Vì thế năm 2021, các bộ, ngành cần mở rộng hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tăng cường tiếp thị, mở cửa nhiều thị trường hơn nữa...

Đối với ngành hàng nông sản, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ hơn nữa cho nông dân về giống, kỹ thuật sản xuất. Đặc biệt, bộ cần đưa ra những cảnh báo kịp thời về tình hình thị trường để nông dân biết phải sản xuất cây gì, canh tác và thu hoạch thời gian nào…

Đối với DN, cần có các chính sách hỗ trợ về tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế thu nhập DN… nhằm tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất.

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:

2021, sức mạnh để vươn lên ảnh 6

Tính toán cân bằng cán cân thương mại

Theo thông tin ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong phiên điều trần đầu tiên về cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ vào cuối năm 2020. Bước đầu, các bằng chứng cho thấy hoàn toàn không thể quy kết Việt Nam có thao túng tiền tệ chủ đích.

Tuy nhiên, chúng ta không thể ỷ lại, bởi nếu không nỗ lực thay đổi quan hệ thương mại tích cực hơn nữa từ sự chủ động nội tại thì hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng (do phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 hoành hành) cũng như mác thao túng tiền tệ mà Việt Nam đang gặp phải có thể lặp lại.

Để làm được điều này, bên cạnh những chính sách, động thái nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối và có thêm giải pháp phù hợp trong điều hành tiền tệ… thì Việt Nam cần nỗ lực hơn để cân bằng cán cân thương mại song phương với Mỹ.

Cụ thể, nhập khẩu từ Mỹ cần được tạo điều kiện, có thể sử dụng các chính sách ưu đãi thuế cao hơn để DN dễ dàng nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào Việt Nam. Căn cơ hơn, Việt Nam sẽ phải tính toán để thay đổi cơ cấu thương mại, sao cho giảm bớt tỉ trọng “xương gà”, tăng “thịt gà” trong mỗi sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược tổng thể với những giải pháp cụ thể, lâu dài nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, giúp giảm phụ thuộc và tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Ông CHU TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

2021, sức mạnh để vươn lên ảnh 7

Cơ hội phát triển từ chuyển đổi số 

Kinh tế Việt Nam có sự vượt trội hơn nhiều nước láng giềng trong một năm 2020 đầy thách thức, những bước tiến gần đây cũng cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế trong năm 2021.

Việt Nam có thể lạc quan về điều này nhờ những bước tiến mới trong triển khai mạng 5G, các hiệp định thương mại tự do (FTA) và công tác ứng phó với dịch COVID-19.

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã tăng tốc trên lộ trình chuyển đổi số và đạt được những kết quả tác động rõ rệt đối với người dân cũng như nền kinh tế.

Việt Nam đã tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN... Chuyển đổi số nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

Chuyển đổi số không còn là trào lưu mà đã trở thành con đường tất yếu giúp DN cải thiện hiệu quả quản trị hoạt động kinh doanh, thích ứng với bối cảnh mới về công nghệ, thị trường, thị hiếu khách hàng…

QUANG HUY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm