2020: Kiểm toán Nhà nước đột vào các dự án ‘nóng’

Ngày 13-12, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã ký và ban hành Quyết định 1866 về kế hoạch kiểm toán năm 2020 của KTNN.

Kiểm toán kết quả định giá trong cổ phần hóa

Theo tổng KTNN, năm 2020 số cuộc kiểm toán của KTNN giảm khoảng 20% so với năm 2019. Việc giảm này là để KTNN tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán; bố trí đủ thời gian hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ khác trong năm 2020.

KTNN lựa chọn một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là việc thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

“Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của KTNN đảm bảo tính minh bạch trong xác định, lựa chọn đầu mối đơn vị được kiểm toán, nhằm phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan chức năng khác để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Mặt khác đảm bảo kết hợp hài hòa giữa kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động” - tổng KTNN cho biết.

Bên cạnh đó, năm 2020 KTNN sẽ đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để giảm thời gian kiểm toán. Cùng đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Các dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ nằm trong diện kiểm toán năm 2020 của KTNN. Ảnh: PV

Tập trung những bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn

Trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, ngoài kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, KTNN sẽ thực hiện việc kiểm toán 16 bộ, cơ quan trung ương và 40 tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

KTNN tập trung kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, phục vụ công tác phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2019 của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Cụ thể, tại các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, KTNN tập trung kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Tại các bộ, cơ quan trung ương, KTNN sẽ lựa chọn các bộ, cơ quan trung ương và đơn vị có quy mô ngân sách lớn để tập trung kiểm toán công tác quản lý, điều hành ngân sách; chọn mẫu một số đơn vị, dự án trọng yếu hoặc rủi ro cao nhằm đánh giá công tác điều hành thu, chi sự nghiệp, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và xác nhận báo cáo quyết toán của đơn vị.

Trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN sẽ thực hiện 15 cuộc kiểm toán gồm Ngân hàng Nhà nước; 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và ba ngân hàng thương mại.

158 là số cuộc KTNN sẽ tập trung kiểm toán trong năm 2020. Ngoài kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, KTNN sẽ kiểm toán 16 bộ, cơ quan trung ương và 40 tỉnh, thành trực thuộc trung ương; chín cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; chín cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh và sáu cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng. 

Hàng loạt dự án “nóng”

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được KTNN lựa chọn kiểm toán có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trọng tâm kiểm toán là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán. Đồng thời đánh giá các hoạt động quản lý, đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như điện, dầu khí…

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, KTNN sẽ thực hiện 40 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như các dự án BT thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM; đầu tư xây dựng đường vành đai II, III TP Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Cùng đó là các dự án thủy lợi (hồ chứa nước Đồng Mít; hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; hồ chứa nước sông Lũy, bắc sông Chu - nam sông Mã; đập ngăn mặn sông Hiếu; hồ chứa nước Mỹ Lâm; hồ chứa nước sông Chò I); dự án vệ sinh môi trường TP.HCM; đường dây 500 kV Long Phú - Ô Môn; Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội...

Xử nghiêm những cá nhân nếu xảy ra sai phạm

Tổng KTNN nhấn mạnh KTNN đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên, quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan đến văn hóa công sở, đạo đức công vụ…

 KTNN sẽ xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, nhất là trường hợp vi phạm không phải do đơn vị, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán tự phát hiện thì phải chịu trách nhiệm trước tổng KTNN và pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm