2019: Năm tăng tốc, bứt phá

Cùng với việc tiếp tục xây dựng một chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự bứt phá trong điều hành, phát triển kinh tế-xã hội.

Trao đổi với báo chí trước thềm năm mới 2019, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Vấn đề kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả là phương châm hành động xuyên suốt nhiệm kỳ của Chính phủ. Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực tăng trưởng. Điều này sẽ góp phần quan trọng thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ba ưu tiên bứt phá

. Phóng viên: Phương châm hành động năm 2019 của Chính phủ nhấn mạnh đến yếu tố bứt phá để tăng tốc phát triển và chuẩn bị “về đích”. Vậy Chính phủ tập trung bứt phá những nội dung lớn nào?

Ông Mai Tiến Dũng

+ Ông Mai Tiến Dũng (ảnh): Bứt phá đầu tiên là trong xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách. Ví dụ, trách nhiệm của Chính phủ là phải đẩy mạnh, quyết liệt vấn đề phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ hai, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nếu không có sự bứt phá mạnh mẽ thì không thể tổ chức lại bộ máy tinh gọn hiệu quả hoặc có làm hiệu quả cũng không cao.

Thứ ba, bứt phá ở những lĩnh vực lâu nay còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như năm 2019 phải làm tốt công tác logistics, cổng thanh toán điện tử; phải có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu; có dịch vụ công trực tuyến công khai, minh bạch để giảm tiêu cực, tham nhũng vặt…

Chúng ta không hài lòng với những chỉ tiêu năm 2018 đã đạt được. Chúng ta đặt ra các mục tiêu, các chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2019 ở mức cao. Tất nhiên, quy mô càng lớn thì việc tăng tỉ lệ càng khó nhưng ta còn nhiều dư địa nếu chúng ta tận dụng và phát huy được.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất

. Thưa Bộ trưởng, thực tế là chúng ta đã đẩy mạnh cải cách thế nhưng rào cản cải cách vẫn còn rất nhiều. Điều này có khiến Bộ trưởng nản lòng không?

+ Không, tôi cho là không nản. Vừa rồi chúng ta đã làm rất quyết liệt khi cắt giảm hơn 6.700 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu Nghị quyết 19, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương hơn 5.400 tỉ đồng. Chúng ta cũng cắt giảm được hơn 3.400 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm gần 6 triệu ngày công, tương đương gần 1.000 tỉ đồng.

Năm 2019, Chính phủ sẽ tập trung bứt phá trong nhiều lĩnh vực để tăng tốc phát triển, trong đó có lĩnh vực logistics. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xã hội, người dân, doanh nghiệp rất cần cải cách. Thực tế có những trường hợp tai nạn giao thông mà không khai tử được, có trường hợp mất bốn năm rồi vẫn không nhận được mai táng phí. Hay sản xuất một cái kẹo chocolate mà 13 giấy phép, ăn thế thì đau hết cả răng, làm sao ăn được. Người dân bức xúc cũng đúng!

Hay như khi chúng tôi đến một số địa phương, nhiều nơi trung tâm hành chính công làm rất tốt. Tuy nhiên, không ít nơi rất hình thức, công bố dịch vụ công ở cấp độ 3, 4 nhưng hồ sơ vẫn chạy bộ về sở, giải quyết bao nhiêu hôm rồi mới đóng dấu mang đến trả…

Cho nên phải cải cách vì yêu cầu của người dân và doanh nghiệp nhưng cải cách phải đi vào thực chất. Chúng ta đã làm được bước đầu như vậy nhưng tôi biết có những việc vẫn là cắt giảm cơ học, bỏ cái này nhưng lại sinh ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn khác.

. Vậy hành động của Chính phủ trong năm 2019 về vấn đề này sẽ như thế nào, thưa ông?

+ Cải cách phải mạnh mẽ, làm liên tục, quyết liệt. Dù đây là vấn đề rất khó nhưng phải làm vì cải cách là dư địa cho tăng trưởng mạnh; từ đây sẽ tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí, thúc đẩy sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ thành lập thêm một số bộ phận của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính; đồng thời thường xuyên tiếp cận, lắng nghe phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc họ gặp phải.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Tạo được đồng thuận rồi, chẳng có gì không làm được

Phóng viênThủ tướng chia sẻ có rất nhiều khó khăn phải vượt qua để đạt được thành tích trong năm 2018. Là người theo sát Thủ tướng, khó khăn nào khiến ông nhớ nhất?

+ Ông Mai Tiến Dũng: Thủ tướng ngoài việc tâm huyết, trách nhiệm còn rất trí tuệ, uyển chuyển khi xử lý các vấn đề. Trong điều hành của Chính phủ, tôi cho rằng vẫn phải giữ nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Nhưng thực tế lại có những việc cần có sự quyết đoán khi mà luật pháp chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống. Quyết đoán nhưng phải có được sự đồng thuận trong Chính phủ và các bộ, ngành. Có thể nói tạo sự đồng thuận là vấn đề khó nhất.

Nói một chuyện đơn giản, khóa trước ít khi các lãnh đạo chủ chốt ngồi họp với nhau hằng tháng được. Nhưng từ đầu nhiệm kỳ này, mỗi tháng các lãnh đạo chủ chốt đều họp với nhau để đánh giá công việc tháng trước đã làm, giải quyết vướng mắc, xử lý vấn đề bức xúc…

Tôi cho rằng có đồng thuận thì chẳng có gì không làm được.

Vượt qua thách thức, đất nước tiếp tục phát triển nhanh

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương diễn ra cuối tuần trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận năm qua “dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực”.

Cụ thể, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng GDP 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây; hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu, trong đó chín chỉ tiêu vượt và ba chỉ tiêu đạt. Đặc biệt, chỉ số lạm phát CPI giữ ở mức 3,54%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội cho phép là 4%. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm