2 kịch bản tăng trưởng cho TP Hà Nội sau đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-9, tại kỳ họp 2 của , HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã xem xét, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021-2025 của TP Hà Nội.

Đặt mục tiêu thấp hơn do ảnh hưởng của dịch

Trình bày tờ trình kế hoạch, Giám đốc Sở KH - ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng cho 5 năm tới được đặt ra tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 (diễn ra vào tháng 10-2020) được xây dựng trong bối cảnh lạc quan về tiến độ tiêm vaccine, thời điểm kiểm soát được đại dịch Covid-19 và triển vọng kinh tế sớm được phục hồi. Trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,5-8,0%.

“Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có những diễn biến mới với tác động lớn với biến chủng mới nguy hiểm hơn, tiến độ tiêm vacvine để đạt miễn dịch cộng đồng chậm hơn so với dự báo.

Giám đốc Sở KHĐT Đỗ Anh Tuấn

Trong bối cảnh đó, TP vẫn phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy một số mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trước đó khó có khả năng thực hiện và tính khả thi không cao” – ông Tuấn thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, Trung ương chưa xác định tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội nên chưa có cơ sở để cân đối nguồn lực cho một số mục tiêu phát triển.

Theo đó, TP đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho riêng năm 2021 là từ 3,97-4,54% và 02 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2025. Cụ thể:

Kịch bản 1: GRDP tăng bình quân 7,5%, ở kịch bản này nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025 GRDP phải tăng bình quân từ 8,25-8,40%/năm.

Kịch bản 2: GRDP tăng bình quân từ 6,5-7,0%, thì GDRP bình quân giai đoạn 2022-2025 phải đạt 7,0 – 7,7%. Kịch bản này lồng trong bổi cảnh đến quý III hoặc IV/2021 mới cơ bản kiểm soát được dịch và cuối năm 2022 mới tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng, năm 2023 mới hoàn toàn kiểm soát được dịch...

Theo ông Tuấn, để đạt các chỉ tiêu trên, TP sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của 12 nhóm ngành nghề, dịch vụ chủ yếu như: Phát triển kinh tế; phát triển quản lý đô thị; xây dựng nông thôn mới; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ; đảm bảo an sinh xã hội; củng cố tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính; công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Cùng với đó, TP Hà Nội tập trung khai thác triệt để các nguồn lực để phát triển, đẩy nhanh các dự án trọng điểm với quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng rõ ràng, rút gọn; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù; tập trung tháo gỡ khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng...

Cần có giải pháp tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp

Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các ĐB HĐND TP Hà Nội đều thống nhất cao cần có cơ chế hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch để nhanh chóng phục hồi lại sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh) cho rằng để nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thì thành phố nên khoanh vùng hạn chế, áp dụng tối đa công nghệ thông tin; đảm bảo sự lưu thông hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn 

Trước hết thành phố cần có các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để đánh giá lại những khó khăn, vướng mắc từ đó có giải pháp cụ thể trong đó có những đóng góp tinh hoa của DN để chính sách, giải pháp sớm đi vào thực tiễn. 

“Thủ đô với 8 triệu dân và gần 300.000 doanh nghiệp là kho chất xám rất lớn. Nếu TP tiếp tục tạo điều kiện để người dân và cộng đồng DN cùng đóng góp, hiến kế, chắc chắn Thủ đô sẽ vượt qua nhiều khó khăn không chỉ là dịch bệnh, để xây dựng phát triển...” – ông Đoàn nói.

Cùng với đó, ĐB này cho rằng cần triển khai ngay các nhóm giải pháp liên quan chính sách thuế, phí và lãi suất ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp vì “vừa qua khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là mất cân đối về dòng tiền và không có lợi nhuận”. Riêng chi phí phòng dịch tại từng doanh nghiệp thời gian qua đã chiếm tỷ lệ quá lớn, trong khi không làm ra lợi nhuận mà vẫn phải trả lương cho người lao động.

Theo đó, ĐB Đoàn đề nghị Chính phủ và TP nhanh chóng “giãn và giảm” cho doanh nghiệp để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay từ đó nhanh chóng phục hồi, phát triển. Ví dụ như TP có thể cân nhắc thuế đất năm 2021 giảm 30-50% cho DN.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tác động của dịch đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội, thu chi ngân sách của TP, sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; đời sống, việc làm của nhân dân bị ảnh hưởng.

“Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị, giải pháp cao hơn nữa, chủ động nắm bắt và tận dụng tốt những thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, tiếp tục có giải pháp thích hợp, khả thi để phòng chống dịch hiệu quả và thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển” – Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm