1.523 hộ dân Đồng Nai 7 năm chờ bồi thường!

Hàng ngàn hộ dân ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang bức xúc vì hơn bảy năm qua họ chưa được bồi thường vì bị thu hồi đất để làm đường ĐT 768.

Điều đáng nói là con đường đã làm xong, chủ đầu tư đưa vào sử dụng, thu phí gần bốn năm qua nhưng hàng ngàn hộ dân bị thu hồi đất thì cứ phải chờ tiền.

Cả ngàn hộ dân mòn mỏi chờ

Năm 2010, huyện Vĩnh Cửu có quyết định thu hồi đất của người dân để phục vụ cho việc thi công đường ĐT 768. Lúc đó, chính quyền vận động người dân bàn giao mặt bằng, bồi thường sau.

Ông Nguyễn Văn Tấn (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay gia đình có thửa đất hơn 2.000 m2 tiếp giáp với đường ĐT 768. Khi được vận động, ông đã giao gần 200 m2 đất cho Công ty TNHH Sonadezi Châu Đức (chủ đầu tư dự án).

“Tôi đã kêu cứu khắp nơi về việc chưa được nhận bồi thường, trong các buổi tiếp xúc cử tri tôi đều phản ánh. Khoảng hai tuần trước, xã Thạnh Phú lại mời tôi lên nhưng chỉ để nói là chờ cấp trên chỉ đạo. Hứa thế này hoài, chẳng ra làm sao cả!” - ông Tấn nói.

“Tôi đã 76 tuổi, bệnh tật triền miên. Vợ thì bị tai biến, không nói được, đi lại khó khăn, tôi còn phải nuôi một người em bị bệnh tâm thần. Chẳng biết còn kịp nhận tiền bồi thường hay không dù đã khiếu nại, tố cáo, thậm chí năn nỉ các cơ quan chức năng vẫn không được giải quyết. Tôi đã yếu, không đi xa được nhưng xã cứ mời rồi hứa, tôi quá nản…” - ông Tấn ứa nước mắt nói.

Đường ĐT 768 đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng hơn 1.500 hộ dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Ảnh: T.DŨNG

Ông Tấn khiếu nại nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Ảnh: T.DŨNG

Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Ly (xã Thạnh Phú) cũng bị thu hồi 50 m2 đất và một số tài sản gắn liền trên đất. Sau khi giao đất, ông phải khiếu nại, tố cáo các cơ quan chức năng mới chịu ban hành quyết định bồi thường rồi… để đó. Bực mình ông dọa kiện ra tòa, vẫn chưa thấy tiền đâu. Đầu năm 2017, gia đình ông Ly đã được con gái bảo lãnh sang Mỹ nhưng tiền bồi thường chưa biết khi nào đến tay.

Hơn 1.500 hộ ở huyện Vĩnh Cửu đều rơi vào hoàn cảnh như gia đình ông Tấn, ông Ly. Cuối năm 2016, HĐND huyện Vĩnh Cửu cũng đã yêu cầu UBND huyện chi trả tiền bồi thường ngay cho người dân nhưng đến nay vẫn chỉ là bồi thường… trên giấy!

Đang lập phương án bồi thường!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Cửu, thông tin: Tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đường ĐT 768 từ ngã ba Gạc Nai (TP Biên Hòa) đến chân cầu Thủ Biên là gần 180 tỉ đồng. Riêng huyện Vĩnh Cửu, trong quá trình triển khai gặp vướng về cơ chế, chính sách bồi thường như việc hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư không thống nhất. Ngoài ra, việc thay đổi giá đất, vật kiến trúc hằng năm cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án... Chưa kể là khi kiểm kê đất bồi thường thì sai lệch bản đồ dẫn đến khiếu nại của người dân.

“Trong năm 2005, khi cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân chỉ kiểm kê, đo vẽ đất của mình từ hàng rào chứ không thống kê phần đất từ hàng rào ra hành lang lộ giới 768. Mặc dù trước đó phần đất này cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đáng lẽ ra thời điểm này người dân phải phản ánh với các cơ quan chức năng để sửa chữa ngay nhưng họ không làm. Đến khi thực hiện dự án đường ĐT 768, hội đồng bồi thường căn cứ vào bản đồ địa chính năm 2005 dẫn đến khiếu nại cũng làm việc bồi thường phải kéo dài” - ông Phương giải thích về nguyên nhân chưa đền bù cho dân.

“Hiện chúng tôi đã lập phương án bồi thường cho 1.523 hộ dân trên và chuẩn bị trình lên cấp tỉnh phê duyệt. Nhanh nhất cũng phải trong quý II-2017 mới làm xong. đây là dự án BOT nên kinh phí bồi thường do ngân sách của tỉnh chi trả. Khi phê duyệt phương án bồi thường thêm thì còn phải chờ tỉnh bố trí ngân sách nữa. Có thể kéo dài đến hết năm” - ông Phương nói.

Tháng 12-2009, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai và Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức đã ký hợp đồng triển khai dự án đường ĐT 768 theo hình thức BOT.

Với đoạn qua huyện Vĩnh Cửu, cơ quan chức năng thu hồi gần 77.000 m2 đất của 1.523 hộ dân, ước tính bồi thường khoảng 66 tỉ đồng. “Tất cả trường hợp trên vẫn còn đang trong giai đoạn trình các cơ quan chức năng cấp tỉnh thẩm định, chưa rõ trường hợp nào có quyết định phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện chi trả bồi thường cho dân” - UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm