15 người do TW giới thiệu không trúng cử đại biểu Quốc hội

Trước ngày chính thức công bố danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV (chậm nhất là 11-6), Tổng thư ký QH, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin sơ bộ kết quả bầu cử tại cuộc họp của Hội đồng Bầu cử Quốc gia sáng nay, 8-6. 

Bầu thiếu 4 ĐBQH

Báo cáo về kết quả cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thư ký QH, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XIV là 870 người.

Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22-5 và bầu cử thêm ngày 29-5 ở Cần Thơ là 496 người (bầu thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu được bầu).

Luật Tổ chức quốc hội quy định tổng số ĐBQH được bầu không quá 500 người. Cụ thể, Sóc Trăng bầu thiếu 1 đại biểu; Đồng Nai bầu thiếu 1 đại biểu; Lâm Đồng bầu thiếu 1 đại biểu; Sơn La bầu thiếu 1 đại biểu.

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu ngày 22-5

Về kết quả bầu của HĐND các cấp, ông Phúc cho hay có 6.527 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh để bầu 3.916 đại biểu; có 41.777 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 25.159 đại biểu; có 497.304 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu 297.899 đại biểu. 

Kết quả bầu như sau: cấp tỉnh bầu được 3.908 người, thiếu 8 đại biểu; cấp huyện bầu được 25.179 người, thiếu 120 đại biểu; cấp xã bầu được 291.273 người, thiếu 6.626 đại biểu.

Cũng theo ông Phúc, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt khá cao. Cụ thể tổng số cử tri cả nước 67.485.480 cử tri, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu 67.049.200 cử tri, đạt 99,35%. 

Phát biểu đánh giá chung về kết quả cuộc bầu cử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia - Chủ tịch QH, nhận định cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra tốt đẹp, đúng quy định của pháp  luật, thực sự là ngày hội của toàn dân.

Còn một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả tốt, báo cáo cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế của cuộc bầu cử như không bầu đủ số lượng ĐBQH theo dự kiến, cơ cấu đại biểu chưa đạt được như định hướng, dự kiến ban bầu, nhất là tỉ lệ nữ, tỉ lệ người ngoài Đảng; có nơi phải tiến hành bầu cử thêm.

Theo ông Phúc, vẫn có trường hợp để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu.

Nhiều nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND cấp xã. Tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn chưa được khắc phục. 

Cụ thể, theo ông Phúc, khu vực bỏ phiếu số 2, xã An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) đã phải hủy kết quả bỏ phiếu và bầu lại (vào ngày 5-6) vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Cử tri Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử ngày 22-5 

Cũng theo ông Phúc, trong công tác hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên vẫn còn có hạn chế đó là việc loại một số ứng cử viên ứng cử ĐBQH trong hiệp thương lần thứ 3 mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm đã gây dư luận không tốt. 

“Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất, có nơi tổ chức ít, có nơi tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc gây tâm lý cho người ứng cử. Trong vận động bầu cử vẫn có trường hợp thiếu bình đẳng”, ông Phúc nói. 

Dự kiến sáng ngày mai 9-6, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ họp báo chính thức công bố kết quả cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Cả 19 ủy viên Bộ Chính trị trúng cử đại biểu Quốc hội

Có 182/197 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu người trúng cử, gồm: Cơ quan Đảng 12/12; Cơ quan Chủ tịch nước 3/3; Cơ quan của Quốc hội 104/113; Cơ quan của Chính phủ 17/17; Cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 25/31; TAND Tối cao 1/1; VKSND Tối cao 1/1; Bộ Quốc phòng 15/15; Bộ Công an 3/3.

Như vậy 15 ứng cử viên ĐBQH do Trung ương giới thiệu về các địa phương đã không trúng cử, trong đó tại TP.HCM có 7/14 người không trúng cử; Hà Nội có 1/13 người không trúng cử; các tỉnh Phú Yên, Trà Vinh, Sóc Trăng mỗi tỉnh được Trung ương giới thiệu 2 người, nhưng ở những nơi này chỉ có 1 người trúng cử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm