Ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn

TP.HCM liên tục phát triển và người dân TP luôn năng động, sáng tạo không ngừng. Cùng với quá trình phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa, chất lượng môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm. Nhiều năm qua, Sở TN&MT TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình, chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường. Qua đó, tín hiệu đáng mừng là người dân TP ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường hơn. 

Ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn ảnh 1

Các bạn tình nguyện viên tham gia dọn dẹp rác thải ở khu dân cư. Ảnh: NGỌC CHÂU

Khói bụi và rác thải

Tại hội thảo do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây, TS Phạm Gia Trân, ĐH KHXH&NV TP.HCM, đã công bố kết quả khảo sát Đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Khảo sát nhằm nghiên cứu các hoạt động liên quan đến môi trường trong thời gian qua như nhận thức, hành vi môi trường, tiếp cận các quy định… Từ đó báo cáo đề xuất các biện pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng nhóm, từng khu vực cộng đồng. Kết quả phản ánh nhiều vấn đề, trong đó có nhiều nội dung, ý kiến tích cực.

Khảo sát được thực hiện với 2.000 phiếu được phát ra cho các nhóm đối tượng khác nhau như cộng đồng dân cư, trường phổ thông, trường ĐH, cơ sở kinh doanh, bệnh viện, cơ sở chức năng, đoàn thể chính trị, xã hội… Địa bàn khảo sát gồm một số quận, huyện đại diện như khu vực trung tâm (quận 5, Bình Thạnh), vùng ven (Bình Tân, Thủ Đức), ngoại thành (Bình Chánh, Nhà Bè).

Theo kết quả khảo sát, rác thải là vấn đề được các nhóm quan tâm nhất. Với đối tượng học sinh, 22% các em quan tâm đến vấn đề cây xanh và 18,5% là khói bụi. Ngoài ưu tiên về rác thải, nhóm sinh viên dành 26,1% cho ô nhiễm nước, 22,6% cho ô nhiễm không khí. Nhóm cộng đồng dân cư lại tập trung vào mối quan tâm về rác thải với tỉ lệ cao nhất là 37,8%.

Đối với vấn đề môi trường tại nơi cư trú, khói bụi là vấn đề quan tâm hàng đầu của đối tượng học sinh. Trong khi đó, rác thải là mối quan tâm ưu tiên của sinh viên và cộng đồng dân cư với tỉ lệ lần lượt 44,3%, 53,2%. Song song đó là nhiều chỉ tiêu khác như nước thải, ô nhiễm nước, tiếng ồn…

 Theo khảo sát, đa số người dân nói rằng họ có nghe về các chương trình rác thải trọng điểm của TP như phân loại rác tại nguồn, rác trên kênh rạch (57,9% và 60%). Đồng thời, họ cũng biết TP đang triển khai các chương trình này.

Cần tuyên truyền thiết thực hơn

Về vấn đề chuyển biến ý thức môi trường người dân, hoạt động và nội dung truyền thông, theo báo cáo, so với thời gian trước đây, ý thức môi trường có xu hướng ngày càng tốt hơn (61,5%). So với trước đây, đa số người dân tham gia phỏng vấn cho rằng các hoạt động truyền thông môi trường tại TP.HCM đều theo chiều hướng tốt; nội dung tuyên truyền cần thiết thực hơn. Song song đó, báo cáo cũng nêu nhiều thông tin về nhận thức của học sinh, sinh viên đối với các quy định pháp luật về môi trường rác thải; tìm hiểu thông tin môi trường…

Đặc biệt, các bạn cũng áp dụng kiến thức môi trường đã học như “Bỏ rác đúng nơi quy định”, “Nhắc nhở người khác thực hiện hành vi bảo vệ môi trường”… vào cuộc sống và tham gia nhiều hoạt động khác trên địa bàn TP.

Kết quả khảo sát cho thấy các chương trình, hoạt động truyền thông môi trường đã góp phần quan trọng vào sự chuyển biến nhận thức, hành vi của người dân. Điều đó được thực hiện qua việc cung cấp các điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin.

Cùng với đó là các quy định pháp luật và tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Các chương trình, hoạt động truyền thông được các sở, ban ngành triển khai rộng khắp cho nhiều đối tượng khác nhau. Hình thức thể hiện đa dạng, nội dung ngày càng thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo, các hoạt động truyền thông môi trường cần được đổi mới cả về hình thức và nội dung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm