Y học cổ truyền điều trị viêm đa khớp dạng thấp

Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới, tuổi trung niên với một số triệu chứng điển hình như sưng đau các khớp bàn, ngón cổ tay và có thể các khớp khác của tứ chi; đặc biệt là đối xứng cả hai bên.

Y học cổ truyền điều trị viêm đa khớp dạng thấp nhằm lưu thông khí huyết; bồi bổ khí huyết, can thận; giảm viêm đau và góp phần thay đổi cơ địa tự miễn và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Phương pháp điều trị được chia theo các thể sau:

Thể viêm đa khớp dạng thấp trong đợt tiến triển cấp:

Y học cổ truyền gọi là phong thấp nhiệt tý với các triệu chứng: các khớp sưng, nóng, đỏ, đau, vận động khó khăn, có khi kèm theo phát sốt, ra mồ hôi, sợ gió... (cần chú ý phân biệt với bệnh thấp tim, thường gặp ở trẻ độ tuổi 7-12; cần điều trị và theo dõi lâu dài chủ yếu bằng y học hiện đại).

Các vị thuốc dùng có tác dụng kháng sinh, giải dị ứng, hoạt huyết giảm viêm và lợi niệu trừ thấp. Tùy hoàn cảnh và điều kiện có thể dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Kim ngân hoa 16 g, thổ phục linh 16 g, lá độc lực 10 g, rễ cây cà gai leo 10 g, hy thiêm thảo (cây cỏ đĩ) 16 g, rễ cây cỏ xước (nam ngưu tất) 12 g, lá huyết dụ 10 g, kê huyết đằng 12 g, sinh địa 12 g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Bạch hổ quế chi thang gia giảm: Thạch cao 40 g, tri mẫu 12 g, cam thảo 6 g, gạo tẻ 12 g; gia thêm các vị: kim ngân hoa 20 g, quế chi 6 g, hoàng bá 12 g, thương truật 8 g, tang chi 12 g, phòng kỷ 12 g. Sắc uống ngày một thang trong giai đoạn có sốt, khớp sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu có nốt hồng ban hoặc sưng đỏ nhiều ở các khớp có thể gia thêm: đan bì 12 g, xích thược 8 g, sinh địa 20 g.

Bài 3: Quế chi thược dược tri mẫu thang gia giảm: Quế chi 8 g, bạch thược 12 g, cam thảo 6 g, tri mẫu 12 g. Gia thêm các vị: kim ngân hoa 16 g, liên kiều 12 g, ma hoàng 8 g, bạch truật 12 g, phòng phong 12 g. Nếu các khớp sưng đau kéo dài, sốt nhẹ, nhiều mồ hôi, miệng khô thì bỏ vị quế chi, gia thêm các vị có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt như: sinh địa, địa cốt bì, sa sâm, miết giáp, thạch hộc... với liều thích hợp.

Thể viêm đa khớp dạng thấp kéo dài có teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp:

Theo y học cổ truyền, ở giai đoạn này có sự ứ đọng đàm tại kinh lạc. Cách chữa có thể dùng một trong các bài thuốc trên gia thêm các vị: nam tinh chế 8 g, bạch giới tử sao 8 g, bạch cương tàm 12 g, đào nhân 8 g, hồng hoa 8 g, xuyên sơn giáp 8 g.

Sau điều trị tấn công, các khớp hết sưng, nóng, đỏ, để phòng viêm đa khớp dạng thấp tái phát đợt tiến triển cấp, có thể dùng một trong hai bài thuốc sau:

Bài 1: Sinh địa 12 g, huyền sâm 12 g, phụ tử chế 6 g, tang ký sinh 12 g, thạch hộc 12 g, hà thủ ô 12 g, ngưu tất 16 g, phòng phong 12 g, thổ phục linh 16 g, kim ngân hoa 16 g, ý dĩ nhân 12 g, tỳ giải 12 g. Sắc uống mỗi tuần ba thang hoặc tán thành dạng chè, hãm uống 40 g/ngày. Uống liên tục trong sáu tháng.

Bài 2: Độc hoạt tang ký sinh thang. Độc hoạt 12 g, tang ký sinh 12 g, tế tân 8 g, phòng phong 12 g, quế chi 8 g, tần giao 8 g, ngưu tất 12 g, đỗ trọng 12 g, phòng sâm 12 g, phục linh 12 g, cam thảo 6 g, sinh địa 12 g, bạch thược 12 g, đương quy 8 g, xuyên khung 8 g, phụ tử chế 8 g. Cách dùng như bài trên.

Như trên đã trình bày, viêm đa khớp dạng thấp là bệnh mạn tính kéo dài, tiến triển thành nhiều đợt. Nếu không được chữa trị, người bệnh sẽ bị tàn phế. Bệnh khó chữa khỏi hẳn, vì vậy lời khuyên đối với các bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp: Một là điều trị suốt đời, phối hợp phương pháp y học hiện đại trong từng giai đoạn hoặc đồng thời theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Hai là tích cực tập luyện phục hồi và duy trì chức năng khớp. Ba là tránh lạnh và ẩm thấp kéo dài, ngay cả tắm ngâm lâu trong nước cũng sẽ bất lợi. Bốn là chế độ dinh dưỡng sao cho không bị béo phì, làm tăng trọng lượng làm thoái hóa nhanh hơn các khớp chịu tải.

Xin được nhấn mạnh: xoa bóp, tập luyện có vai trò quan trọng và quyết định trong hồi phục chức năng. Phương pháp này cần được tiến hành trong giai đoạn khớp hết sưng, nóng, đỏ.

TS LÊ LƯƠNG ĐỐNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm