Xây dựng kế hoạch chống biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, TP.HCM nằm trong danh sách 10 TP bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ năm 1960 đến 2005, nhiệt độ tăng lên khoảng 0,02%, trong đó từ năm 1991 đến 2005 tăng lên khoảng 0,033%.

Nỗi lo đường ngập

Có lẽ khi thấy những thông tin trên, nhiều người sẽ cho rằng “Điều đó không đáng lo ngại vì những con số ấy tăng lên ở mức rất nhỏ mà lại tăng trong khoảng thời gian dài”. Tuy nhiên, hãy bỏ qua những số liệu ấy, mọi người nên nhìn vào những gì chúng ta đang phải đối mặt ở thực tế.

Thời gian gần đây mỗi khi trời mưa lớn, cư dân TP luôn lo sợ những con đường bị ngập nước, phương tiện giao thông chết máy hàng loạt, người người bì bõm lội trên đường… Trên các phương tiện truyền thông luôn đề cập, cảnh báo mọi người đề phòng những nơi ngập nước. Thống kê cho thấy tại TP.HCM có khoảng 154 xã, phường hiện đang trong tình trạng thường xuyên ngập úng. Đến năm 2050, Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) dự báo con số này lên đến 177, chiếm 61% diện tích của TP. Song song đó, những đợt không khí lạnh tăng cường hay đợt nắng nóng oi bức kéo dài là một trong hàng loạt hậu quả chúng ta phải gánh chịu từ BĐKH.


Hoạt động đổi chất thải nguy hại lấy quà tại Ngày hội Tái chế chất thải năm 2014. Ảnh: NGỌC CHÂU 

Tháng 8-2009, Bộ TN&MT công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng. Đối với khu vực TP.HCM, nếu mực nước dâng thêm 75 cm sẽ có khoảng 204 km2 bị ngập, chiếm 10% tổng diện tích. Khi nước biển dâng 100 cm có khoảng 472 km2 bị ngập. Đối chiếu với con số thống kê tại TP vào cuối tháng 11-2009, triều cường đạt mức đỉnh trong vòng 50 năm qua là 1,57 m đo tại kênh Đồng Điền, Nhà Bè.

Xây dựng kế hoạch chống BĐKH

Trong cuộc chiến với BĐKH, TP.HCM triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm cải tạo môi trường xanh sạch. Đầu tiên là sự góp mặt, tham gia vào hoạt động của tổ chức C40 (40 TP lớn trên thế giới hoạt động về BĐKH). Kế đến là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Bộ TN&MT thông qua việc xây dựng bản Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của TP.HCM.

Nội dung kế hoạch nhằm xây dựng các chương trình ứng phó BĐKH; đề xuất các giải pháp đóng góp vào công cuộc làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây sẽ là một lời cam kết giảm phát thải, tiến đến TP xanh. Mục tiêu kế hoạch hành động gồm: Thứ nhất là đề xuất, thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH, đảm bảo phát triển bền vững. Thứ hai là đón đầu và tận dụng những ảnh hưởng tích cực của BĐKH. Thứ ba là nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tăng cường liên kết giữa các sở, ngành. Thứ tư là nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH. Theo đó từng giai đoạn được thực hiện theo một chu trình khép kín, bao gồm các vấn đề nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, triển khai, kiểm tra, đánh giá. Hiện nay kế hoạch đang bước vào giai đoạn triển khai, từ năm 2011 đến 2015.

Hợp lực bảo vệ môi trường

Với giai đoạn trên, thực tế ngay từ năm 2008, TP.HCM triển khai nhiều dự án môi trường, năng lượng như thí điểm Thay bóng đèn chiếu sáng công cộng dân lập hiệu suất cao tại quận Gò Vấp: thay thế 8.920 bóng đèn hiện hữu bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện; lợi ích tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm (tính theo giờ điện chiếu sáng là 984,5 đồng/kWh); giảm hơn một tấn khí thải CO2/năm. Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM triển khai thực hiện công tác tăng cây xanh, mảng xanh trên đường phố: tăng gần 22.000 m2 diện tích mảng xanh cho vỉa hè, 12.700 m2 cho công trình cầu và 13.850 m2 tại các khu đất trống và dải phân cách. Đặc biệt, Sở TN&MT TP.HCM thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bảo vệ môi trường như tổ chức ngày hội tái chế; phân loại rác tại nguồn; kêu gọi thực hiện các dự án thu phí phát điện từ các bãi chôn lấp Gò Cát, Đông Thạnh, Phước Hiệp 1, 1A…

BĐKH là việc làm cấp bách chúng ta cần thực hiện. Trong đó tìm kiếm giải pháp thích ứng với các hậu quả của BĐKH là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đấy là hướng đi nhằm thích nghi cuộc sống cùng BĐKH, tránh thiệt hại tối đa đối với môi trường, kinh tế và xã hội.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm