VWS nói gì về khoản phạt hơn 1,5 tỷ đồng?

Ngày 5-6, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã ban hành quyết định số 121/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nội dung làm việc xung quanh dự án “Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày liên 10.000 tấn/ngày” đã được Bộ TN&MT phê duyệt.

Theo quyết định 121, VWS bị xử phạt về 5 nội dung (xem box) với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.  Mới đây VWS đã có một số ý kiến phản hồi quyết định xử phạt của Tổng cục, Pháp Luật TP.HCM trích đăng để rộng đường dư luận.

Thực hiện đúng nội dung cam kết

Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ đến tham quan Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Đầu tiên, VWS bị xử phạt do không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định như module xử lý nước rỉ rác với tổng công suất 6.080 m3/ngày đêm theo cam kết; hiện vẫn sử dụng các module xử lý công suất 4.280 m3/ngày đêm đã được xây lắp trước khi dự án được triển khai.

Về việc này, VWS giải thích: thời điểm nâng công suất tiếp nhận của khu liên hợp là ngày 30-11-2014, trước thời gian báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này được phê duyệt. Song song đó, do ô nhiễm môi trường, bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) phải đóng cửa và ở TP.HCM chỉ có VWS đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận, xử lý rác từ Phước Hiệp chuyển qua. Đặc biệt, dự án được phê duyệt đã nêu rõ khi nâng công suất, tùy thuộc vào lượng nước thải phát sinh mà khu liên hợp sẽ vận hành thêm module xử lý cho các trạm xử lý nước thải. Trong dự án không có nội dung rằng khu liên hợp sẽ nâng công suất xử lý nước thải ngay sau khi nâng công suất xử lý rác thải.

Năm 2015, do thời tiết cực đoan, các cơn mưa bất thường đã làm tăng lượng nước rỉ rác phát sinh nên VWS đã nâng công suất xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải công nghệ màng lọc sinh học (MBR) từ công suất 1.000 m3/ngày lên 3.000 m3/ngày, nâng tổng công suất xử lý nước thải từ 4.280 m3/ngày lên 6.280 m3/ngày theo đúng cam kết. Trị giá khoản đầu tư này lên đến gần 10,5 triệu USD. Thời điểm đoàn kiểm tra đến khu liên hợp để kiểm tra chất lượng công trình, VWS đã hoàn thành xây dựng lớp lót đáy của ô chôn lấp số 3, chuẩn bị mặt bằng, tập kết vật tư xây dựng nhà máy MBR. Như vậy, VWS đã thực hiện đúng như những nội dung đã cam kết trong dự án. Đó là xây lắp thêm module xử nước thải tùy thuộc vào lượng nước thải phát sinh trong giai đoạn nâng công suất.

Mưa tăng đột biến, nước rỉ rác phát sinh

VWS cũng bị xử phạt do hành vi không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2.

VWS cho biết tại thời điểm kiểm tra ngày 2-4-2016, công ty vẫn đang lưu chứa nước thải tại hai hồ tập trung như nội dung trong dự án. Tuy nhiên, những cơn mưa khiến lưu lượng nước tăng đột biến khiến nước rỉ rác phát sinh. Trong tình huống bất khả kháng, cấp bách, để tránh sự cố rò rỉ nước thải ra bên ngoài, VWS buộc phải chủ động giải quyết bằng cách sử dụng ô chôn lấp số 2 để tạm lưu chứa nước thải. Đặc biệt, kết quả phân tích hàm lượng kim loại nặng, chất lượng không khí đều đạt quy chuẩn cho phép, không có sự ảnh hưởng của việc chứa nước thải đến chất lượng môi trường đất ở khu vực.

Về việc không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, VWS cho biết công ty đã hoàn thành xây dựng ô chôn lấp số 4 vào tháng 10-2014. Đến ngày 30-11-2014, UBND TP chỉ đạo chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ Phước Hiệp về. Vì nhu cầu xử lý rác cấp bách của TP nên VWS buộc phải tiếp nhận rác thải trước khi báo cáo đánh giá tác động môi trường về việc nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày đến 10.000 tấn/ngày. Ngay say khi nhận quyết định phê duyệt dự án ngày 30-2-2015, VWS tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thực hiện báo cáo xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án và trình nộp Bộ TN&MT tháng 2-2016.

Trước đó, ngày 18-5 và 1-6, VWS đã được mời để giải trình với Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT), Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngày 7-6, VWS đã có văn bản gửi Bộ TN&MT về việc xin giải trình trực tiếp lần hai nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Phía VWS cho rằng hiện doanh nghiệp đang nỗ lực giải quyết sự bức bách về rác thải cho TP. Do đó “Bộ cần lắng nghe và thấu hiểu để giúp chúng tôi yên tâm tiếp tục thực hiện tốt dự án theo lời kêu gọi đầu tư của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành của VWS đang thuyết minh công nghệ thu gom và xử lý nước rỉ rác cho sinh viên khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên TP.HCM.

Trong Quyết định 121/QĐ-XPVPHC của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã nêu các hình thức xử phạt VWS cùng biện pháp khắc phục như sau:

1. Không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định

Giữ nguyên hình thức xử phạt vi phạm bằng tiền theo quy định. VWS phải khẩn trương hoàn thành, vận hành thường xuyên công trình xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh của dự án phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật. Nước thải sau xử lý phải được lưu giữ tại hồ chứa nước thải tập trung được xây dựng có lót đáy, chống thấm theo quy định của pháp luật về xây dựng trong ba ngày trước khi thải ra môi trường; thường xuyên vận hành trạm quan trắc nước thải tự động liên tục, đảm bảo truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT TP.HCM để được giám sát; báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm về Sở TN&MT TP.HCM và Tổng cục Môi trường trước ngày 31-8.

2. Không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Giữ nguyên hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Yêu cầu chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định, khẩn trương xử lý toàn bộ khối lượng nước rỉ rác đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật.

3. Không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành

Không áp dụng xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, tuy nhiên buộc công ty phải khắc phục hậu quả theo quy định.

4. Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đến đưới 1.200 m3/ngày.

Ngoài khoản phạt tiền, VWS phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích một mẫu nước thải; cải tạo hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật.

5. Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày đến dưới 2.500 m3/ngày

Ngoài khoản phạt tiền, VWS buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu nước thải vượt chuẩn kỹ thuật về môi trường; cải tạo hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Công ty phải báo cáo kế hoạch khắc phục xong các hậu quả vi phạm về Sở TN&MT TP.HCM, Tổng cục Môi trường trước ngày 30-6; hoàn thành khắc phục hậu quả vi phạm, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31-8.

Được biết trong biên bản giải trình trực tiếp tại Hà Nội, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS, cho biết đối với hành vi 1 và 2, công ty đề nghị Tổng cục Môi trường xem xét để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của TP.HCM. Hành vi số 4 và 5 công ty không chấp nhận kết quả phân tích mẫu của Viện Công nghệ Môi trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm