Vốn VietinBank 'chảy' vào các dự án sản xuất kinh doanh

Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank (phải) trao tài trợ vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: XN

Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT). Hoạt động này đã tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước.

Kết nối cung - cầu

Những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội đã khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động XTĐT đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), địa phương và ngân hàng thương mại. Với vai trò là trung gian tài chính, hoạt động XTĐT giúp các ngân hàng giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ DN và các nhà đầu tư. Song song đó, một số ngân hàng còn đóng vai trò là cầu nối DN với nhà đầu tư.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) có quy mô vốn điều lệ lớn, lợi nhuận cao, chất lượng tài sản tốt. Với hệ thống mạng lưới rộng lớn 155 chi nhánh, hơn 1.000 phòng giao dịch trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ngân hàng đã kết nối cộng đồng DN với nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế của nhiều địa phương.

Hiểu được vai trò quan trọng của hoạt động XTĐT, ngân hàng luôn tiên phong, đồng hành cùng với Đảng, Chính phủ, Nhà nước và các địa phương triển khai XTĐT tại nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Trong nửa đầu năm 2017, đơn vị này đã tham gia XTĐT vào Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Ninh Thuận, Trà Vinh, các tỉnh Tây Nguyên… với số vốn kết nối đầu tư trực tiếp lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đồng hành với nhiều ngành nghề

VietinBank đầu tư vốn vào các dự án sản xuất kinh doanh

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chế biến nông sản, VietinBank đã ký hợp đồng tài trợ 500 tỷ đồng cho hai đơn vị là Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Thái Bình - Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Cường Liên - Thái Bình. Cùng với đó là ký hợp đồng nguyên tắc đầu tư tín dụng với số tiền 248 tỷ đồng cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn để thực hiện dự án Trung tâm chế biến nông sản công nghệ cao Lam Sơn; đầu tư phát triển chăn nuôi lợn và chế biến thực phẩm tại Vĩnh Phúc với số vốn đăng ký 200 triệu USD. Đây đều là các dự án quan trọng được kỳ vọng sẽ đem lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp của Thái Bình, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa.

Trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, VietinBank đã ký kết đầu tư, hợp đồng tín dụng cho các dự án phát triển du lịch Vĩnh Phúc. Chẳng hạn như Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II và Cáp treo Bến tắm Tây Thiên đi Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II của Công ty TNHH Mặt Trời Tam Đảo; dự án Khách sạn Lâu đài và giai đoạn hai khu Belvedere Resort của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng; trung tâm thương mại Vĩnh Yên giai đoạn hai của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân; Flamingo Đại Lải giai đoạn hai của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải. Còn tại hội nghị XTĐT Quảng Nam, VietinBank đã cam kết thỏa thuận cấp tín dụng cho dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An.

Không dừng lại ở đó, ngân hàng còn ký cam kết tài trợ vốn và thỏa thuận hợp tác toàn diện cho nhiều dự án tại các khu công nghiệp. Đáng chú ý là dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phân bón và vay vốn lưu động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Mỹ Lan - Trà Vinh số tiền trên 200 tỷ đồng; dự án Công ty CP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai 555 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh với Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức 836 tỷ đồng; trồng 5.400ha cao su của Công ty CP Cao su Sa Thầy 971 tỷ đồng.

Thời gian tới, Vietinbank sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, cung cấp nguồn vốn tín dụng dồi dào cùng sản phẩm, dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm