Việt Nam phát triển ngành năng lượng bền vững

Bộ Công thương phối hợp với Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2017.

Phát triển năng lượng tái tạo

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2017 là một trong những kết quả hợp tác trong khuôn khổ của dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở cập nhật các thông tin dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhu cầu năng lượng sơ cấp và nhu cầu điện. Chương trình quy hoạch năng lượng tối ưu được sử dụng trong báo cáo là mô hình Balmorel của Đan mạch giúp thiết lập các kịch bản phát triển hệ thống điện Việt Nam. Trong đó chú trọng đến các khả năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Đây là mô hình quy hoạch năng lượng đã được sử dụng hiệu quả tại Đan Mạch và một số quốc gia trên thế giới. Qua đó, báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách về phát triển hệ thống điện, ngành năng lượng phát thải carbon thấp trên cơ sở đẩy mạnh khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Báo cáo cũng cung cấp thông tin tổng quan về những cơ hội, thách thức của Việt Nam trong việc phát triển ngành năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng với chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

Tăng trưởng bền vững

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch. Ông nhấn mạnh “Báo cáo Triển vọng năng lượng là sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển năng lượng gắn liền với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng của Việt Nam”. Trong lời phát biểu của mình, ông Thomas Egebo, Quốc vụ khanh Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch, cho biết “Theo tôi, thách thức chính của Việt Nam không phải là tăng trưởng mà là tăng trưởng bền vững. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn kỹ thuật, sản phẩm và công nghệ có thể sử dụng để đạt các mục tiêu về năng lượng và tăng trưởng bền vững”.

Trong buổi tiếp đoàn Đan Mạch ở TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước. Trong đó có TP.HCM với Đan Mạch ở nhiều  lĩnh vực thương mại, khoa học kỹ thuật, năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu. Ông Trần Vĩnh Tuyến mong muốn trong thời gian tới sẽ có những dự án hợp tác cụ thể với Đan Mạch trong các lĩnh vực TP đang quan tâm. Chẳng hạn như xây dựng đô thị thông minh, phát triển năng lượng sạch, giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển đô thị như ô nhiễm môi trường, xây dựng hạ tầng đô thị.

Tiềm năng phát triển năng lượng

TP.HCM có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh của cả nước. Trong lĩnh vực năng lượng, chính quyền TP luôn ưu tiên, chú trọng đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường bằng sử dụng nhiên liệu thay thế, phát triển năng lượng sạch... Bởi lẽ ngành năng lượng đóng vai trò then chốt cho việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải có nguồn cung năng lượng an toàn trong khả năng chi trả. Đồng thời, để bảo đảm tính bền vững, ngành năng lượng phải có khả năng thu hút nguồn vốn cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng, giữ nguồn cung năng lượng trong dài hạn, giảm các tác động tiêu cực tới môi trường và kiểm soát được lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường.

Theo thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM, TP còn nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch. Mặt trời, gió, rác thải được xác định là ba nguồn năng lượng sạch dồi dào nhất mà chúng ta đang sở hữu. Nếu tận dụng tốt những nguồn năng lượng này, TP không những giải quyết tốt bài toán an ninh năng lượng mà còn góp phần đáng kể trong việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm