Vay mua xe trả góp: Cẩn thận với hợp đồng ghi nhiều cách tính lãi suất

Mua hàng thanh toán bằng vay trả góp hiện nay không còn xa lạ với người tiêu dùng, nhất là cư dân thành thị. Đặc biệt là khi nhu cầu vay mua sắm, tiêu dùng dịp cuối năm tăng cao và các ngân hàng cũng dần mạnh tay cho vay với các khoản vay tín chấp này.

Xu thế tiêu dùng thành thị

Khách hàng chỉ cần có thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/tháng là có thể được cho vay, hạn mức cho vay tối đa gấp tám lần mức thu nhập cho các nhu cầu như du lịch, cưới hỏi, du học, mua xe…, cao nhất có thể lên đến 250 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, vay tín dụng ở một số công ty tài chính thì thủ tục đơn giản và giải ngân nhanh chóng hơn so với vay tín dụng tiêu dùng ở ngân hàng. Nhân viên các công ty tài chính cũng liên tục gọi điện thoại chào mời khách hàng vay vốn.

Nếu quan sát, hiện tại các điểm kinh doanh xe gắn máy trên cả nước đều có các đơn vị cung cấp dịch vụ mua xe trả góp túc trực và sẵn sàng tư vấn cho khách. Chỉ vài thủ tục đơn giản, CMND, hộ khẩu, hóa đơn thanh toán điện thoại nhà trong vòng hai tháng gần nhất là người tiêu dùng có đủ điều kiện mua xe. Hồ sơ hoàn tất chỉ trong 24 giờ và bạn có thể sở hữu những chiếc xe máy từ vài triệu đến hơn trăm triệu đổng.

Vay mua xe trả góp: Cẩn thận với hợp đồng ghi nhiều cách tính lãi suất ảnh 1

Một cửa hàng bán xe máy trả góp ở TP.HCM. (Ảnh minh họa)

Cẩn thận với cách tính, con số…

Trên thực tế, khi tham gia vào chương trình này, nhiều người đã dở khóc dở cười bởi sự tư vấn số tiền trả góp của các công ty luôn lửng lửng lơ lơ. Trong đó cơ chế thỏa thuận về lãi suất đã được các tổ chức tín dụng tận dụng tối đa đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Cách đây không lâu, chuyện bán xe máy trả góp với mức lãi suất cao ngất ngưởng đã được người tiêu dùng truyền tai nhau cũng như sự vào cuộc của báo chí. Chưa dừng lại ở các chiêu thức trên, gần đây lại rộ lên một thông tin mới trong cách tính lãi suất có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Hiện có hai phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Một số tổ chức tín dụng quảng bá cung cấp dịch vụ cho vay với lãi suất giảm dần theo kỳ hạn với nhấn mạnh là giúp chi phí vốn rất hợp lý. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, việc áp dụng lãi suất giảm dần hay giữ nguyên theo nợ gốc đều như nhau. Chẳng hạn, một ngân hàng cho vay với lãi suất 1% tính theo dư nợ gốc và một ngân hàng cho vay lãi suất 1,5% dư nợ giảm dần thì số tiền khách hàng phải trả tương đương nhau. Chỉ có điều là với cách tính lãi suất dư nợ giảm dần, khách hàng dễ nhìn thấy số tiền mình phải trả qua từng kỳ hạn rõ ràng hơn.

Lợi dụng kẽ hở này, một số tổ chức tài chính (công ty tài chính hay tổ chức tín dụng) đã “tranh thủ” bằng cách ghi cả hai loại lãi suất trong cùng một hợp đồng. Nếu chỉ trả gốc và lãi hằng tháng sẽ không có vấn đề gì nhưng với những khách hàng kết thúc sớm hợp đồng thì sẽ phát hiện ra phần thiệt hại. Từ phản ánh, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán xe trả góp tìm xe và có nhu cầu vay 90 triệu đồng để mua xe máy. Chúng tôi được nhân viên tín dụng giới thiệu trong hợp đồng lãi suất 1,68%/tháng là tính theo dư nợ ban đầu, còn 2,93%/tháng là tính theo dư nợ giảm dần và cả hai mức này đều đi đến kết quả là tổng phí tín dụng tương tự nhau (30.243.780 triệu đồng). Theo thỏa thuận trên, nếu tính mỗi tháng trả gốc và lãi 6.012.189 đồng, có nghĩa là tính theo lãi suất dư nợ ban đầu thì sau bốn lần trả, số tiền chưa thanh toán sẽ là 72 triệu đồng. Tuy nhiên, khi xem bảng kê chi tiết thì con số sau bốn lần lại là 75.906.049 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cách tính con số thực phải trả (?!).

Vì vậy, nếu bạn không cẩn thận trong các hợp đồng có ghi đồng thời hai con số về lãi suất, đến khi có chuyện, khiếu nại thì “gạo đã nấu thành cơm”, đành nhận phần thiệt. Còn nếu khách hàng phát hiện, không chịu đóng tiền, càng để lâu càng phạt nhiều.

Không ký hợp đồng nếu chưa hiểu rõ

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì đơn vị này thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp khiếu nại liên quan đến lập lờ lãi suất khi mua xe trả góp. Lý do là khi mua xe, khách hàng đã không được nhân viên bán hàng tư vấn đầy đủ. Điều này cho thấy nơi bán hàng đã vi phạm quyền cơ bản của người tiêu dùng là được thông tin đầy đủ. Bên cạnh đó, nếu lập lờ nhiều mức lãi suất, dẫn đến lãi suất thực tế vượt mức lãi suất cho vay trong hợp đồng là vi phạm Quyết định 1335 ngày 22-2-2010 của Ngân hàng Nhà nước về việc áp dụng lãi suất cho vay trong phương thức cho vay trả góp. Vì vậy, người tiêu dùng hãy thật tỉnh táo trước khi đặt bút ký vào những bản hợp đồng mà mình chưa hiểu rõ ràng.

PHI HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm