Trong cơn lốc melamine, làm sao để chọn sữa an toàn?

Tại Trung Quốc, con số thống kê về trẻ em bị ảnh hưởng trong vụ sữa nhiễm độc đã lên tới 54.000 trẻ em (số liệu ngày 25-9).

Việt Nam cũng không thoát khỏi cơn địa chấn melamine do sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa là các mặt hàng không thể thiếu cho trẻ nhỏ. Trong vòng chưa đầy một tháng, trên các báo có tới gần 300 tin, bài viết về các sản phẩm liên quan đến chất melamine. Nhiều gia đình, trường mầm non do quá hoang mang đã tạm thời “cấm vận” con em dùng sữa.

Các nhà khoa học, các cơ quan y tế chuyên môn đã lên tiếng trấn an người tiêu dùng hãy bình tĩnh. Mặt khác đã cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để các cơ quan thông tấn thông tin định hướng dư luận, tránh xảy ra tình trạng tẩy chay thị trường sữa.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam.

. Được biết là trong thời gian vừa qua, một vài doanh nghiệp đã tự giác mang sản phẩm sữa của mình đến kiểm nghiệm chất melamine tại Viện Dinh dưỡng. Đó là những doanh nghiệp nào, bà có thể cho biết tên cụ thể?

+ Sau khi có thông tin sữa nhiễm chất melamine, rất nhiều doanh nghiệp mặc dù không bị Thanh tra Bộ Y tế lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng đã rất nghiêm túc tự gửi mẫu sản phẩm tới trung tâm kiểm nghiệm như Bibica, Vinamilk... và đặc biệt chúng tôi đánh giá cao đại diện Tập đoàn Bơ sữa Namyang (Hàn Quốc) đã gửi tất cả 17 sản phẩm sữa bột XO và Star Science Gold đang lưu hành trên thị trường đến kiểm tra. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sữa không nhiễm melamine. Tôi được biết Tập đoàn Namyang cũng đã gửi các mẫu sữa đến kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM và kết quả cho thấy các mẫu sữa của tập đoàn này cũng không nhiễm melamine.

. Liên tục trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải danh sách các mẫu sữa không nhiễm melamine. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm mà doanh nghiệp gửi đến kiểm nghiệm tại trung tâm lại được cấp giấy chứng nhận không có melamine nhưng không có trong danh sách của báo, đài. Bà có thể giải thích rõ hơn?

+ Như chúng ta biết, hiện nay có hàng triệu sản phẩm dinh dưỡng đang lưu hành ngoài thị trường. Tại thời điểm này, các đoàn thanh tra chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên một số sản phẩm bày bán ngoài thị trường gửi sang trung tâm để kiểm nghiệm. Vì vậy, trong danh sách các phương tiện thông tin đại chúng đăng tin chỉ là các mẫu ngẫu nhiên do Thanh tra Bộ Y tế lựa chọn chứ không phải tất cả các sản phẩm đã được trung tâm của Viện Dinh dưỡng cấp giấy chứng nhận không có melamine. Gần đây theo dõi trên báo chí, tôi thấy các doanh nghiệp cũng đang tự nỗ lực để trấn an khách hàng bằng việc thông báo các sản phẩm không có nhiễm melamine. Một số đơn vị tiêu biểu như các sản phẩm sữa tươi của Vinamilk, bánh kẹo Bibica, Vinacafe, Namyang Hàn Quốc... Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế thì từ 1-10-2008, tất cả sản phẩm sữa chỉ được phép lưu hành khi được cấp chứng nhận không có melamine. Do vậy, thời gian tới các doanh nghiệp bắt buộc phải nghiêm túc hơn trong kinh doanh, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

. Trong tình hình hiện tại, bà có lời khuyên nào với các bà mẹ đang phải cho con sử dụng sữa?

+ Các bà mẹ hãy cố gắng cho con bú sữa mẹ. Trong tình hình hiện nay, các bà mẹ cần bình tĩnh để tìm hiểu chính xác các thông tin. Trường hợp không thể cho con bú sữa mẹ thì các bà mẹ hãy cho con sử dụng sữa ngoài. Khi lựa chọn sữa cho con, các bà mẹ cần kiểm tra kỹ càng thông tin trên lon sữa về nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm có sản xuất tại chính hãng hay không. Đã được Bộ Y tế kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hay chưa. Thành phần dinh dưỡng ra sao... Đây là những thông tin rất quan trọng để đánh giá về một sản phẩm.

Ngày 28-6-2008, Bệnh viện Giải phóng quân nhân dân số 1 tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên suy thận do sử dụng sữa bột mang nhãn hiệu Tam Lộc - một công ty con của Tập đoàn Sữa Fonterra (New Zealand). Sau đó đã có 12.892 bé phải vào bệnh viện điều trị do có triệu chứng sạn thận và vôi hóa cơ quan tiết niệu, trong đó 104 em đang trong tình trạng nguy kịch. Thủ phạm được xác định là chất melamine và chất này không chỉ được tìm thấy trong sữa bột mà còn được tìm thấy trong các sản phẩm bánh kẹo có sử dụng sữa. Ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hong Kong, Malaysia, Singapore... cũng đã công bố tìm thấy melamine từ các công ty, tập đoàn có nhà máy sản xuất hoặc sử dụng nguyên liệu sữa từ Trung Quốc. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã kiểm tra các mẫu sữa đang lưu thông trên thị trường, trong đó có 20 mẫu được tìm thấy có melamine.

Để bảo đảm uy tín chất lượng của sản phẩm, các doanh nghiệp sữa có thương hiệu trên thị trường cũng đã tiên phong đưa mẫu sữa đi kiểm nghiệm chất melamine và nhận kết quả kiểm nghiệm không có melanine. Những doanh nghiệp đầu tiên đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm như các sản phẩm sữa bột dinh dưỡng XO, sữa bột dinh dưỡng Star Science Gold của Tập đoàn Bơ sữa Namyang (Hàn Quốc), dòng sữa tươi của Vinamilk, các sản phẩm bánh kẹo của Bibica...

THIÊN KHIÊM thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm