TP.HCM triển khai cách thu phí mới về vệ sinh môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Tài chính, Cục Thuế và đại diện các quận, huyện ở TP.HCM vừa có cuộc họp triển khai việc thu phí vệ sinh môi trường theo mức phí và hình thức mới (theo QĐ số 88 ngày 20-12-2008 của UBND TP.HCM). Theo đó, bắt đầu từ tháng 4-2009, toàn thành phố sẽ bắt đầu triển khai cách thu phí mới này.

Nhà nghèo, miễn thu

Theo QĐ 88 của UBND TP.HCM, đối tượng nộp phí gồm: các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cung ứng dịch vụ quét dọn, thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lấp chất thải rắn. Đối tượng được miễn nộp phí gồm: các hộ gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo (có mã số). Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại (công nghiệp, y tế) phải đảm bảo thực hiện từ khâu thu gom đến việc vận chuyển và xử lý loại chất thải này theo các quy định hiện hành.

Mức phí (bao gồm thu gom, vận chuyển, xử lý bảo vệ môi trường) được quy định chi tiết đối với từng loại đối tượng. Ông Ngyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Các đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ đã phân loại thật cụ thể từng đối tượng phải nộp phí để đảm bảo cho người dân nộp đúng, nộp đủ và nhà nước cũng thu đúng, thu đủ. Theo đó, khu vực nội thành được xác định rõ gồm 14 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Các quận, huyện còn lại được xác định là vùng ven. Người dân ở hai khu vực này sẽ có mức phí vệ sinh môi trường khác nhau.

Cụ thể, khu vực nội thành ở mặt tiền đường sẽ đóng 20.000 đồng/hộ/tháng; trong hẻm sẽ đóng 15.000 đồng/hộ/tháng. Khu vực ngoại thành đóng ít hơn: mặt tiền đường đóng 15.000 đồng/hộ/tháng; trong hẻm đóng 10.000 đồng/hộ/tháng.

Các tiêu chí ở mặt tiền đường và trong hẻm cũng được xác định cụ thể như: hộ dân ở mặt tiền đường của tất cả tuyến đường được đặt theo tên hoặc số thì gọi là người dân ở mặt tiền đường. Những hộ dân còn lại là những hộ dân ở trong hẻm. Ngoài ra, mức thu phí tại các căn hộ chung cư cũng khác nhau. Theo đó, những chung cư cao cấp được phân hạng (theo Thông tư 14/2008/TT-BXD) là loại I, loại II thì mức phí nộp cho vệ sinh môi trường là 20.000 đồng/hộ/tháng; chung cư loại III, loại IV đóng mức phí 15.000 đồng/hộ/tháng. Lưu ý, không phân biệt chung cư đó nằm trên địa bàn quận nội thành hay quận, huyện ngoại thành.

Kinh doanh càng lớn đóng càng nhiều

Đối với các đối tượng ngoài hộ gia đình, bao gồm các nhóm và mức phí như sau: các quán ăn-uống sáng/tối trong nhà và vỉa hè được phép sử dụng; cơ sở thương nghiệp nhỏ; trường học, thư viện; cơ quan hành chính, sự nghiệp... có khối lượng chất thải rắn phát sinh dưới 250 kg/tháng thì phải đóng 60.000 đồng/cơ sở/tháng và hơn 250 kg/tháng đến dưới 420 kg/tháng thì phải đóng 110.000 đồng/cơ sở/tháng. Các quán ăn trong nhà cả ngày; nhà hàng, khách sạn, thương nghiệp lớn; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; rác sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất, y tế, địa điểm vui chơi, công trình xây dựng... thì đóng 176.800 đồng/m3/tháng (Hệ số quy đổi một m3 rác = 420 kg rác).

Ngoài ra, khi người dân vừa sử dụng nhà để ở vừa kinh doanh thì phí nộp sẽ bao gồm: phí cho từng hộ dân cộng với phí cho hình thức kinh doanh đó. Theo đó, một hộ dân ở ngoại thành-vùng ven vừa có nhà để ở, phía trước mặt tiền nhà cho thuê kinh doanh tạp hóa, phía sau nhà cho thuê làm phòng trọ thì mức phí đóng như sau: hộ dân đóng 15.000 đồng/tháng; lượng rác thải từ việc kinh doanh tạp hóa và phòng trọ nếu cộng lại nằm trong khoảng từ 250 kg/tháng đến dưới 420 kg/tháng thì đóng phí 110.000 đồng/tháng. Tổng cộng hộ dân này sẽ đóng phí vệ sinh môi trường là 125.000 đồng/tháng.

QĐ 88 quy định cơ quan thu phí bao gồm: Công ty dịch vụ công ích các quận, huyện, thành phố; các đơn vị trúng thầu thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các quận, huyện; các tổ chức có tư cách pháp nhân đang thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện thu phí đối với các chủ nguồn thải; UBND phường, xã thực hiện thu phí đối với các chủ nguồn thải do lực lượng thu gom rác dân lập thu gom.

Nhiều năm qua, việc thất thu phí vệ sinh môi trường xảy ra ở nhiều nơi. Trên thực tế, có 91% hộ dân nội thành đóng phí vệ sinh môi trường, trong khi đó ở các quận, huyện ngoại thành chỉ đạt 40%. Ông Nguyễn Văn Phước cho biết: Việc thất thu phí vệ sinh môi trường chủ yếu do lực lượng rác dân lập không thu được tiền từ các hộ dân. Theo quy định mới thì chính quyền địa phương sẽ làm công tác này. Chắc chắn với quyền lực của cơ quan nhà nước, ai không chịu nộp phí sẽ bị xử lý nghiêm.

NM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm