TP.HCM: Hỗ trợ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Các yêu cầu với chất thải rắn sinh hoạt

Trong dự thảo này, UBND TP chỉ đưa ra các quy định đối với chất thải rắn sinh hoạt, còn các loại chất thải rắn khác, chẳng hạn chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế, bùn cống rãnh… sẽ được quản lý theo các quy định hiện hành. Cụ thể như sau:

Yêu cầu kỹ thuật PLCTR sinh hoạt tại nguồn: Chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn tối thiểu thành hai loại, gồm chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy (thường là thực phẩm dư thừa) và chất thải rắn còn lại. Đối với các chất thải rắn có kích thước lớn (tủ, bàn, ghế, giường, nệm vỏ xe, thùng sơn, két nước, tivi, tủ lạnh, đồ điện tử gia dụng khác…), chủ nguồn thải phải tự thu xếp vị trí lưu giữ thích hợp và thông báo cho đơn vị thu gom trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom chất thải rắn. Tại các khu vực công cộng, chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy sinh học phải được phân loại và chứa trong thùng màu xanh lá cây, chất thải rắn còn lại sẽ được phân loại và chứa trong thùng màu xám.

Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại nguồn

Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại nguồn phải được các đơn vị thu gom tại nguồn chuyển đến điểm hẹn, trạm trung chuyển, các khu vực tái sử dụng tái chế hoặc xử lý bằng các phương tiện thu gom, vận chuyển riêng biệt tương ứng với các loại chất thải rắn đã phân loại như đã quy định.

TP.HCM: Hỗ trợ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ảnh 1

Đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt cần thực hiện đúng các yêu cầu thu gom do UBND TP quy định.

Tùy thực tế địa phương mà UBND các cấp sẽ tổ chức thu gom riêng biệt các loại chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo hai phương án. Phương án thứ nhất, chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy sẽ được thu gom các ngày trong tuần, chất thải rắn còn lại sẽ thu gom vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hoặc thứ Ba, Năm, Bảy. Phương án hai, tổ chức phương tiện để thu gom cùng lúc hai loại chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy và chất thải rắn còn lại bằng cách sử dụng phương tiện thu gom hai ngăn, sử dụng hai thùng 660 lít, sử dụng vách ngăn kỹ thuật cho các phương tiện thu gom hiện có để thu gom với tần suất mỗi ngày như hiện nay.

Công tác thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại nguồn

Chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại tại nguồn được thu gom và tập kết đến điểm hẹn, trạm trung chuyển phải được các đơn vị vận chuyển đến đơn vị xử lý. Cụ thể, chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy được vận chuyển riêng biệt đến các nhà máy chế biến compost của TP; các thành phần chất thải rắn còn lại sẽ được vận chuyển đến các nhà máy tái chế hoặc sàn phân loại của các công trường xử lý. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn việc tổ chức điều phối khối lượng chất thải rắn sau phân loại về các đơn vị xử lý.

Chính sách hỗ trợ

Dự kiến, mỗi hộ gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo (có mã số) sẽ được cung cấp miễn phí hai thùng đựng chất thải rắn có in logo của chương trình PLCTR sinh hoạt tại nguồn. TP sẽ hỗ trợ thùng chứa chất thải có dung tích 15 lít/thùng cho mỗi hộ. UBND TP cũng sẽ xem xét và có lộ trình cụ thể để giảm mức phí vệ sinh đối với các chủ nguồn thải tham gia chương trình PLCTR tại nguồn.

Song song đó, UBND các quận huyện cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hoặc ưu tiên cho các công ty hoặc tư nhân thực hiện thu gom chất thải rắn trên địa bàn khi các công ty hoặc đối tượng tư nhân này hỗ trợ đầu tư cung cấp dụng cụ lưu chứa cho các chủ nguồn thải để thực hiện PLCTR tại nguồn. UBND TP cũng có chương trình hỗ trợ các đơn vị thu gom tại nguồn vay vốn (không lãi suất) để chuyển đổi phương tiện hoặc đầu tư thêm phương tiện thu gom nhằm phục vụ chương trình PLCTR tại nguồn.

Ngoài ra, các thành viên trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn PLCTR sinh hoạt tại nguồn sẽ được hỗ trợ kinh phí hoạt động trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp của TP.

Thay đổi thế giới bằng phong cách xanh

Đó là chủ đề nằm trong chương trình “Parkson Go Green 2011”, chương trình cam kết phát triển bền vững, thực hiện lối sống xanh của Parkson Việt Nam diễn ra từ nay đến 7-5. Điểm nhấn của chương trình là cuộc thi “Green Fashion - Thời trang xanh”, dành cho mọi đối tượng, để tìm ra nhà thiết kế đi đầu trong khuynh hướng thời trang thân thiện với môi trường. Các thí sinh có thể gửi ba mẫu thiết kế lấy ý tưởng từ môi trường và giải thích cụ thể thông điệp cũng như các chất liệu sử dụng. Năm thí sinh được chọn lựa sẽ thực hiện mẫu thiết kế của mình và trình diễn vào đêm trao giải tại Parkson Paragon. Giải nhất chung cuộc cho nhà thiết kế có ý tưởng đột phá nhất trị giá 20 triệu đồng, cùng nhiều giải thưởng giá trị khác.

Ngoài ra, Parkson Việt Nam còn tổ chức chương trình “Go Bike - Đạp xe vì môi trường” tại bảy trung tâm Parkson ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM trong tháng 4 và tháng 5. Bên cạnh đó, Parkson còn tiến hành vệ sinh, trao tặng thùng rác và chi phí vệ sinh trong một năm cho các công viên với số tiền tài trợ là 350 triệu đồng. Đặc biệt, trong thời gian này, khi mua hàng tại hệ thống trung tâm Parkson trên toàn quốc với hóa đơn từ 1 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ nhận ngay túi xách thân thiện với môi trường và tham gia các sự kiện trên.

VŨ YẾN

THANH TRÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm