Tìm lối ra cho túi ni-lông thân thiện môi trường

Đã từ lâu con người sử dụng túi ni-lông như một vật không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vì loại túi này tiện dụng, bền, giá rẻ nên đâu đâu chúng ta cũng thấy sự hiện diện của nó. Thống kê tại TP.HCM, năm 2012, ước tính mỗi ngày có khoảng 9 triệu túi, tương đương 50-70 tấn túi ni-lông được phát miễn phí thông qua hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ...

Hành trình gian nan

Quỹ Bảo vệ Môi trường TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp cùng UBND quận 5 tổ chức buổi tọa đàm Giảm sử dụng túi ni-lông: Khó khăn và giải pháp. Chương trình quy tụ đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành TP; lãnh đạo UBND quận 5; ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng tiện lợi; doanh nghiệp (DN) sản xuất túi thân thiện môi trường (TTMT)…

Túi ni-lông khó phân hủy tồn tại khắp nơi, bất kỳ ở đâu… và phải mất 100 năm mới phân hủy đang làm đau đầu các nhà quản lý môi trường. (Ảnh minh họa: NG.MẪN)

Mục tiêu của tọa đàm là giới thiệu các hoạt động giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về khó khăn, giải pháp hỗ trợ các đơn vị bán lẻ giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, chuyển sang sử dụng túi ni-lông TTMT.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn 2050 chỉ ra mục tiêu giảm túi ni-lông tại siêu thị và trung tâm thương mại. Cụ thể giảm 40% vào năm 2015; 65% năm 2020 và 85% năm 2025. Ngoài ra theo đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt, mục tiêu giảm đến năm 2015 tại siêu thị, trung tâm thương mại là 40%, chợ dân sinh là 20%, khối lượng thu gom tái chế là 25%. Con số này theo chỉ tiêu tương tự vào năm 2020 lần lượt là 65%, 50% và 50%. Để đạt được mục tiêu trên không phải điều dễ dàng, nó đòi hỏi sự tham gia của tất cả thành phần xã hội.

DN gặp khó

TP.HCM có khoảng 11 DN được Bộ TN&MT cấp chứng nhận túi ni-lông TTMT. Tuy nhiên đến nay, DN sản xuất loại túi này vẫn loay hoay tìm lối ra bởi nhiều lý do. Tại hội thảo, ông Lê Sanh Mỹ, đại diện Công ty CP Bao bì Vafaco, chia sẻ mục tiêu là giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy nhưng khó khăn thuộc về chủ trương. Giữa túi TTMT và túi khó phân hủy có hai điểm cần lưu ý.

Một là để đạt chứng nhận, cơ sở sản xuất túi TTMT phải tuân thủ quy định pháp luật về môi trường, nghĩa là trải qua quá trình giám sát môi trường định kỳ, kèm theo các tiêu chuẩn về xây dựng nhà xưởng, đăng ký tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hoàn thiện khâu pháp lý… làm phát sinh nhiều chi phí. Trong khi đó cơ sở sản xuất túi khó phân hủy lại không phải tuân thủ những quy định trên.

Hai là các công ty sản xuất túi ni-lông TTMT và tiểu thương không thể tìm thấy điểm chung để cùng giao thương. Ông Mỹ cho rằng: “Lý do đơn giản là giá. Hiện khung giá của các tiểu thương, chợ mua túi ni-lông khó phân hủy chỉ trên dưới 30.000 đồng/kg, trong khi túi TTMT là bốn mươi mấy ngàn đồng một kilogam, nếu có thuế là cao hơn nữa”. Như vậy ở khía cạnh lợi nhuận, người tiêu dùng tất nhiên sẽ chọn lựa loại túi rẻ. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do nhiều cơ sở sản xuất túi khó phân hủy không phải đóng thuế bảo vệ môi trường.

Ông Mỹ chia sẻ thêm ngày 1-1-2012, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Trong khi đó tháng 7-2012 ban hành tiêu chí túi ni-lông TTMT và đến tháng 11 Vafaco mới được trao chứng nhận. Như vậy trong vòng 11 tháng, công ty ông đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế gần 50 tỉ đồng. Tính ra giá sản phẩm là hơn 80.000 đồng/kg, mức giá này quả thật rất khó cạnh tranh với thị trường. Tại hội thảo, vị đại diện Vafaco đề xuất Nhà nước, cơ quan chức năng nên xem xét phương án hỗ trợ DN sản xuất túi TTMT bằng cách trợ giá, giảm thuế VAT… Đồng thời các công ty cần tăng cường gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với nhau để tìm lối ra phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nhận định chúng ta đã thấy rõ sự khó khăn, băn khoăn, trăn trở cũng như chính sách hỗ trợ đối với đơn vị sản xuất. Sở và TP sẽ tiếp thu những vấn đề trên và mong mỏi các DN tiếp tục có kiến nghị, ý kiến đề xuất. Mục đích chung tay giảm thiểu túi ni-lông khó phân hủy, bảo vệ môi trường, công bằng trong kinh doanh.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm