QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI Ở TP.HCM - BÀI 2

Thực trạng việc xử lý chất thải nguy hại

Thực trạng vận chuyển và xử lý CTNH

Trong đó, các phương tiện vận chuyển này chưa được trang bị hệ thống định vị GPS theo yêu cầu quản lý. Đây chính là hạn chế cho công tác quản lý CTNH tại thành phố. Công nghệ xử lý tiêu hủy CTNH chủ yếu là công nghệ đốt, hóa rắn, xử lý nước thải, trích ly, chưng cất thu hồi dung môi, tái chế dầu... Các công ty đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTNH đều là các công ty tư nhân, phát triển từ các cơ sở xử lý quy mô nhỏ, rải rác, chưa tập trung, tạo nên khó khăn khi áp dụng công nghệ mới. Vì vậy, cần thiết phải có quy hoạch đưa vào các khu liên hiệp xử lý công nghiệp CTNH tập trung.

Hiện toàn thành phố có khoảng 2-3 công ty xử lý CTNH với công suất tổng cộng khoảng 80 tấn/ngày. Nhưng khó có thể tiếp nhận được nữa vì đã quá tải. Vấn đề này cần dành được quan tâm trước nhất và cấp thiết do lượng CTNH theo dự báo phát sinh ngày càng tăng, khả năng xử lý tại thành phố phải đáp ứng để xử lý hiệu quả và triệt để.

Thực trạng việc xử lý chất thải nguy hại ảnh 1

Thị trường tái chế là thị trường tự do, xã hội hóa 100%, nhà nước không can thiệp. Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, TP.HCM ưu tiên các dự án tái chế chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: PHI LÂN

Công tác tái chế

Thành phố có thị trường trao đổi chất thải rất sôi động với khoảng vài ngàn doanh nghiệp buôn bán trao đổi và tái chế, kể cả các cơ sở hộ gia đình. Thị trường tái chế là thị trường tự do, xã hội hóa 100%, nhà nước không can thiệp vào thị trường này. Ước tính chất thải công nghiệp không nguy hại hầu như được tận dụng, tái chế 90%, còn lại được xử lý đốt hoặc chôn lấp. CTNH tương tự cũng được tái chế ước tính 50%. Còn khoảng 50% là bùn thải nguy hại không tái chế và cần phải xử lý đốt hoặc chôn lấp an toàn.

Lượng chất thải công nghiệp và CTNH tại TP.HCM rất nhiều nhưng kỹ thuật xử lý chúng lại có nhiều hạn chế. Biểu hiện cụ thể ở: công nghệ đốt chất thải nguy hại chủ yếu tập trung vào đốt hai cấp với nhiệt độ 800oC-1.000oC. Tuy nhiên, công nghệ chưa kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; hoạt động tái chế chất thải công nghiệp cũng còn rất hạn chế về quy mô và kỹ thuật, chủ yếu dựa vào các công nghệ có sẵn và truyền thống như tái chế giấy, chì, sắt thép, nhôm, đồng. Hiệu quả kinh tế của các công nghệ này không cao mà lại gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công nghệ thu hồi kim loại nặng từ bùn thải và xử lý bùn thải nguy hại chưa được phát triển. Thêm vào đó, hiện thành phố chưa có bãi chôn lấp chất thải nguy hại an toàn. Dự án “Bãi chôn lấp an toàn” với diện tích 10 ha, kinh phí 200 tỉ đồng, tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi được thực hiện theo kế hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do UBND thành phố phê duyệt đang được thực hiện sẽ là giải pháp.

Thực tế cho đến tháng 6-2010, quản lý CTNH tại TP.HCM vẫn là vấn đề nan giải mặc dù Sở TN&MT đã xây dựng và thực hiện nhiều chương đi đầu trong cả nước. Nguyên nhân gây nên tình trạng này tương đối nhiều, cả khách quan và chủ quan nhưng những nguyên nhân cơ bản là thành phố còn thiếu tính chiến lược để xây dựng và hoàn thiện hệ thống theo chương trình và kế hoạch dài hạn; chương trình kiểm tra và giám sát chưa được hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực quản lý chất thải đô thị và công nghiệp có phát sinh CTNH; thiếu nhân lực và cơ sở vật chất phương tiện trong quản lý chất thải công nghiệp và CTNH. Muốn công tác quản lý CTNH tốt thì việc khắc phục những nguyên nhân trên là vô cùng quan trọng.

Xuất phát từ thực tiễn cấp bách trên và hướng tới việc quản lý CTNH theo Chiến lược quốc gia về chất thải rắn, Sở TN&MT TP.HCM đề ra sáu chương trình hành động nhằm tiến tới việc quản lý chặt chẽ, an toàn CTNH từ nay đến năm 2025. Mục tiêu của sáu chương trình này là nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn và CTNH nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào việc xây dựng thành phố phát triển bền vững. Phương thức quản lý chính bao gồm: giảm thiểu, ngăn ngừa là chính; tăng cường tái chế, tận dụng chất thải để tái chế, xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo Sở TN&MT, muốn đạt được kế hoạch lâu dài, trước tiên cần thực hiện từng mục tiêu cụ thể. Cụ thể là đến năm 2015, 80% tổng lượng chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh sẽ được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 70% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế; 60% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường; 85% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Đến năm 2020, 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 75% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế; 70% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường; 100% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

VŨ YẾN

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm