Thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ

TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của cả nước. Bên cạnh việc sản xuất, cung ứng lượng lớn hàng hóa sản phẩm, TP cũng tiêu thụ lượng tài nguyên khổng lồ, đồng thời xả ra nhiều loại chất thải khác nhau trong đó có chất thải rắn đô thị. Nếu không được thu gom, xử lý, đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và vẻ mỹ quan của TP.

Cùng tham gia bảo vệ môi trường

Với khoảng 9 triệu dân, ước tính trung bình mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 6.700 tấn chất thải rắn đô thị. Để giải quyết tình trạng này, chúng ta đã thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn đang triển khai thí điểm tại nhiều đơn vị và địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản lý chất thải rắn phải đối mặt với những khó khăn của quản lý đô thị. Chẳng hạn như thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; hạn chế về nguồn nhân lực quản lý, vận hành; ý thức của người dân và doanh nghiệp (DN) đối với việc bảo vệ môi trường chưa cao; hoạt động tái chế còn phân tán… Những nguyên do này khiến công tác quản lý chất thải chưa thực sự hiệu quả như mong muốn.

 

Ắcquy, pin thuộc nhóm sản phẩm cần thu hồi và xử lý sau khi thải bỏ. Ảnh: NGỌC CHÂU

Ngày 9-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ (SPTB). Trong đó quy định DN sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi, tiếp nhận SPTB do DN đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam; người tiêu dùng chuyển giao SPTB tại điểm thu hồi. Riêng các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, hỗ trợ DN sản xuất, nhập khẩu thiết lập điểm thu hồi tại địa điểm phù hợp trên địa bàn. Sự ra đời của quyết định này là cơ sở để khuyến khích người dân, DN tham gia nhiều hơn vào công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn, tạo điều kiện cho hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Triển khai công tác tuyên truyền

Theo quyết định, thời điểm thu hồi và xử lý các SPTB bắt đầu từ năm 2015. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chúng ta bắt đầu thực hiện công tác tuyên truyền nhằm phổ biến nội dung, tính cần thiết của quyết định; nâng cao nhận thức, hình thành thói quen phân loại và thải bỏ đúng chất thải rắn cho người dân. Điều này góp phần tăng khả năng thu hồi các vật liệu có thể tái sinh, tái chế để thực hiện mục tiêu Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là tăng cường ý thức trách nhiệm, sự tham gia đóng góp nhiều hơn của DN, người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Về phạm vi thực hiện, chương trình tập trung vào nhóm các đối tượng thuộc danh mục sản phẩm cần thu hồi và xử lý sau khi thải bỏ gồm ắcquy, pin; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người; dầu nhớt, mỡ bôi trơn; săm, lốp; phương tiện giao thông.

Từ ngày 1-1-2015, chương trình bắt đầu triển khai bằng việc rà soát, lập danh sách các DN đang sản xuất, nhập khẩu, phân phối sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm cần thu hồi và xử lý. Đồng thời phổ biến nội dung quyết định đến các nhà quản lý thuộc sở, ban ngành liên quan, UBND các quận/huyện; DN sản xuất, nhập khẩu, phân phối sản phẩm thuộc nhóm cần thu hồi. Với cộng đồng dân cư, chương trình tiến hành tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

NGỌC CHÂU

 
Chương trình thực hiện theo chỉ đạo chung của UBND TP.HCM. Trong vai trò chủ trì, Sở TN&MT TP.HCM tiến hành xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; thiết lập nội dung tuyên truyền. Đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận/huyện, ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM phổ biến nội dung quyết định và vận động DN đăng ký, thực hiện thu hồi và xử lý SPTB. Ngoài ra phối hợp cùng các đơn vị khác triển khai, tuyên truyền đến người dân. Đặc biệt là hỗ trợ tư vấn các thủ tục, giấy phép cần thiết theo quy định trong việc tổ chức điểm thu hồi, vận chuyển và xử lý SPTB.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm