Thị trường tín dụng tiêu dùng: Nhiều cơ hội bứt phá

Theo kết quả điều tra nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 đạt trung bình trên 30%/năm, trong đó các khoản vay mua và sửa chữa nhà ở chiếm tỉ lệ khá lớn.

Nếu loại trừ các khoản vay như trên thì dư nợ tín dụng tiêu dùng của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 270.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 6,62% GDP. So sánh với các nước như Trung Quốc hiện có tỉ lệ này ở mức khoảng 6%, Nhật Bản khoảng 3%, Mỹ 17%, Hàn Quốc trên 20% thì tỉ lệ này ở Việt Nam ở mức trung bình của khu vực nhưng khá thấp so với các thị trường phát triển.

Cơ hội tiếp cận tín dụng dễ dàng

Người dân đang được tư vấn thủ tục vay tiêu dùng ở FE Credit.

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã bắt đầu hình thành xu hướng vay tiêu dùng của đông đảo bộ phận dân cư, đặc biệt là nhóm dân cư trẻ tuổi. Cùng với nhu cầu tăng cao của người dân, các tổ chức tín dụng, bao gồm ngân hàng thương mại và các công ty tài chính đã có nhiều đổi mới trong mô hình hoạt động để hướng tới phân khúc này. Nhờ vậy, nhiều khách hàng khi chưa đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng nay đã có cơ hội tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn nhằm vay mua sắm các nhu cầu thiết yếu của mình.

Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thừa nhận: “Cho vay tiêu dùng là một hoạt động cho vay quan trọng, đáp ứng nhiều yêu cầu của người dân, từ việc mua sắm, học tập, cưới hỏi, nhà ở, cho đến phương tiện đi lại… Cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu ngay tức thì của đa số người dân, khi mà họ chưa đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng cho rằng vay tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu xã hội, của một số đối tượng có các điều kiện chưa đủ chuẩn so với vay thương mại ở các tổ chức tín dụng nhưng có nhu cầu thực sự mua một số sản phẩm phục vụ đời sống hoặc cải thiện điều kiện kinh doanh. Đây là một hình thức của hoạt động tín dụng nhưng có mức vay hạn chế, thời gian vay ngắn, hình thức cho vay linh hoạt nên đã đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

Hai nhóm giải pháp

Nhờ sự linh hoạt cho vay của các công ty tài chính, người dân dễ dàng mua sắm phương tiện đi lại cho mình hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, thị trường tín dụng tiêu dùng cũng có một số điểm hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia tài chính - ngân hàng, điểm hạn chế đó thể hiện ở quy mô cho vay tiêu dùng/GDP còn nhỏ so với các thị trường phát triển; cơ cấu tín dụng tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng thương mại trong khi nhóm các công ty tài chính còn ít về số lượng và gặp nhiều hạn chế cả về vốn cũng như phát triển mạng lưới cho vay. Ngoài ra, hệ thống khuôn khổ pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện cũng dẫn đến không ít khó khăn cho cả cơ quan quản lý và các đơn vị hoạt động thực tiễn.

Do đó, để thị trường tài chính phát triển, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chính.

Một là các cơ quan quản lý nhà nước và công ty cho vay tài chính cần xây dựng chuẩn mực, pháp lý để điều tiết thị trường, đảm bảo quyền lợi của cả người vay và người cho vay. Các văn bản pháp quy là công cụ để xử lý các tranh chấp (nếu có) giữa người vay và người cho vay, trong đó cần lưu ý đến đạo đức xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Hai là đối với người tiêu dùng, cần nâng cao hiểu biết về pháp lý cũng như tư vấn pháp lý cho người tiêu dùng, nhằm tránh các rủi ro, hậu quả không đáng có trong quá trình thanh toán. Đồng thời, cần nâng cao thu nhập của người lao động để tạo vị thế bình đẳng trong việc thỏa thuận các hợp đồng vay, làm giảm các hạn chế của người vay yếu thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm