Thay đổi thói quen sử dụng túi nylon

Từ lâu các túi nhựa đã trở thành vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Ở đâu bạn cũng có thể thấy sự xuất hiện của chúng.

Có khả năng gây ung thư

Theo nghiên cứu về thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt (do Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM thuộc Sở TN&MT TP.HCM thực hiện), các loại nhựa chiếm tỉ trọng cao trong số chất thải rắn đô thị, chỉ sau rác thực phẩm. Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TP. Trong đó khoảng 48.000 tấn chất thải nhựa bị chôn lấp cùng các loại khác. Phần còn lại được tồn lưu, thu mua để tái chế hoặc phát tán vào môi trường.

Từ khi có mặt trong đời sống, nhựa và bao bì bằng vật liệu nhựa đã trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường. Túi nylon hiện rất phổ biến vì tiện lợi, rẻ, gọn nhẹ… Thế nhưng chẳng phải ngẫu nhiên nhiều quốc gia như Úc, Ireland, Bangladesh, Hà Lan… luôn có chiến dịch nói không với túi nylon cùng việc áp dụng những chính sách nhằm hạn chế loại túi này.

Tại TP.HCM, trung bình người dân xả khoảng 60 tấn túi nylon đã qua sử dụng mỗi ngày. Nếu lượng túi này xả trực tiếp vào môi trường thì chẳng mấy chốc TP.HCM của chúng ta sẽ trở thành “núi nylon khổng lồ”, chưa kể tác hại của chúng đến môi trường, sức khỏe. Theo đó, một số loại túi nylon được làm từ chất dẻo polyvinyl có khả năng gây ung thư, nếu chúng bị kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn, gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Túi nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và uran, có khả năng gây ung thư.

Sử dụng túi thân thiện môi trường là hành động thiết thực nhằm đẩy lùi túi nylon khó phân hủy. Ảnh: NGỌC CHÂU

Sử dụng túi nylon tự hủy sinh học

Theo ước tính của các nhà khoa học, để phân hủy một vỏ chuối mất khoảng 3-4 tuần; một chiếc túi giấy mất khoảng một tháng; một lon nhôm mất khoảng 50 năm; một chiếc túi nylon mất khoảng 500-1.000 năm.

Với tác hại và thời gian phân hủy rất lâu, túi nylon đã gây nguy hại, ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Tuy vậy có sự khác biệt giữa túi nylon thông thường và túi nylon tự hủy sinh học.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP có hơn 80% các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, hệ thống nhà sách đang sử dụng các loại túi thân thiện môi trường. Những loại túi này bề mặt nhìn trơn bóng, nhiều mẫu mã, đa dạng về in ấn; an toàn cho môi trường, không có mùi hôi; túi dai, độ co giãn tốt… Đặc biệt là chúng có logo tái chế in gần dưới đáy bao giúp bạn nhận biết dễ dàng. Xét về mức độ bảo vệ môi trường, túi nylon tự hủy sinh học ngay từ khi sản xuất ra chúng đã bắt đầu quá trình tự hủy.

Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm, không ảnh hưởng đến chất lượng. Khi chúng bị thải ra môi trường thì các yếu tố như ánh nắng, độ ẩm, vi sinh vật, hàm lượng chất tự hủy… là các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tự hủy sinh học. Túi nylon đã trở thành thói quen tiêu dùng của chúng ta. Tuy vậy nếu bạn nhận thức được mối nguy tiềm tàng thì việc thay đổi thói quen là không khó.

Đổi lon nước ngọt rỗng lấy tiền

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Dave M., đến từ Mỹ, nói ở bang Oregon (Mỹ) có một đạo luật được áp dụng từ rất lâu mà theo tôi là hữu ích được gọi là “Oregon Bottle Bill”. Luật này áp dụng cho việc thu hồi các loại chai nhựa, lon đựng nước uống có ga, lon bia… sau khi sử dụng. Luật này có thể hiểu nôm na nghĩa là nếu bạn mua một lon nước, ngoài giá bán thì bạn sẽ phải trả thêm 5 xu. Khi uống xong, bạn có thể mang lon nước này đến các máy thu đổi để lấy lại 5 xu đã trả, nếu không đổi thì hiển nhiên bạn sẽ không lấy lại được tiền của mình.

“Tới đây chính quyền đang xem xét đến việc nâng số tiền này lên khoảng 10 xu để tăng tỉ lệ thu hồi lon nước từ người dân. Cách làm này rất hay, bằng cách nào đó các bạn có thể áp dụng. Nó không chỉ là tiền mà từ đó có thể tạo cho người dân một thói quen về cách tiêu dùng để bảo vệ môi trường”- ông Dave M. nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm