Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon: Nếu có lộ trình hợp lý sẽ được ủng hộ

Trong đó, đặc biệt phải kể đến nạn “ô nhiễm trắng” do thói quen sử dụng túi nilon ngày càng gia tăng.

Quá lạm dụng túi nilon

Ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết hiện tình trạng sử dụng túi nilon của người dân đã vượt quá mức cần thiết. Trong tương lai không xa, nếu cứ tiếp tục lạm dụng sử dụng túi nilon thì môi trường có nguy cơ bị đe dọa.

Theo số liệu của Quỹ tái chế chất thải (Sở TN và MT TP.HCM), mỗi ngày các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở TP.HCM sử dụng 30 tấn nilon và các hộ dân sử dụng 34-36 tấn nilon. Khảo sát này cũng cho biết hầu hết người dân không mang theo túi khi đi mua hàng (chỉ 7% mang theo túi). Lý do dẫn đến lạm phát sử dụng túi nilon là khách hàng được phát miễn phí túi nilon (53%), số còn lại cho rằng mang theo túi nilon khi đi mua sắm rất bất tiện (25%).

Đáng chú ý là hơn 80% số người trong cuộc khảo sát cho rằng họ nhận thấy tác hại của việc sử dụng túi nilon: khó phân hủy, tắc nghẽn cống rãnh, gây hại cho cảnh quan, môi trường... nhưng họ vẫn sử dụng vì tiện dụng, rẻ tiền, dễ tìm...

Ông Bùi Cách Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết túi nilon rất khó tái sử dụng, khi thải ra môi trường nếu không được thu gom sẽ gây tắc nghẽn cống rãnh, làm ứ đọng nước thải, phát sinh ruồi, muỗi, dịch bệnh... Bên cạnh đó, túi nilon rất khó phân hủy, nếu không có sự tác động của nhiệt độ cao thì việc phân hủy phải mất đến hàng thế kỷ. Nguy hiểm hơn, nếu đốt không đúng cách, nilon sẽ thải ra nhiều loại khí độc.

Phải có giải pháp thay thế phù hợp

Tại Việt Nam, một số cửa hàng, siêu thị sớm nhận ra sự nguy hiểm của việc lạm dụng túi nilon nên đã có biện pháp giảm thiểu sử dụng loại bao bì này. Điển hình như Thương xá Tax đã đưa vào sử dựng bao bì tự hủy. Hệ thống Metro cũng đã bán túi sử dụng nhiều lần cho khách hàng thay vì phát không túi nilon.

Tuy nhiên, hầu hết các siêu thị cho biết chưa thể làm như Metro do vấn đề kinh tế và tâm lý của người tiêu dùng. Nhiều siêu thị lấy lý do sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường thì chi phí sẽ tăng 3%-4% so với túi nilon thường. Tâm lý của các siêu thị vẫn là sợ mất khách nếu hạn chế túi nilon cho khách hàng.

Trong một hội thảo gần đây liên quan đến việc sử dụng túi nilon, TS Lương Bạch Vân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết việc hạn chế sử dụng túi nilon phải làm sớm nhưng phải có giải pháp thay thế. Theo bà Vân, giải pháp túi nilon tự hủy, túi vải hay túi lớn chỉ phù hợp với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, còn ở chợ thì không khả thi. Lý do là ở các chợ thường bán nguyên liệu thô nên không thể bỏ chung vào một túi mà cần dùng túi nilon nhỏ để phân loại thực phẩm.

Một vấn đề mà bà Vân đặt ra là việc cấm sử dụng túi nilon sẽ đụng tới rất nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì. Hiện tại, TP.HCM chiếm tới 80% các sản phẩm về nhựa của cả nước. Vì vậy, trước khi cấm cần phải bàn bạc với hiệp hội nhựa, doanh nghiệp sản xuất bao bì để tìm giải pháp thay thế.

Ông Bùi Cách Tuyến đề xuất: Để hạn chế túi nilon, nên áp dụng chính sách đánh thuế việc sử dụng túi nilon hoặc tính phí cho các doanh nghiệp phân phối sản phẩm này. Ngoài ra, nhà nước cần đầu tư cho việc nghiên cứu sản phẩm thay thế, có hình thức hỗ trợ, khuyến khích để các doanh nghiệp sản xuất bao bì chuyển đổi sang sản xuất bao bì tự hủy, túi giấy...

Rõ ràng là vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tuy đã được đặt ra nhưng chưa được quan tâm sát sao. Thực tế là trong hơn hai năm thành lập Quỹ tái chế chất thải, rất nhiều doanh nghiệp tìm đến để nhận sự hỗ trợ nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào được vay vì vướng... cơ chế!

Ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Quỹ tái chế chất thải đồng ý việc cấm hay hạn chế sử dụng túi nilon cần phải có lộ trình cụ thể chứ không thể thích cấm là cấm ngay được. Theo ông Khoa, nếu có lộ trình hợp lý sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Một tín hiệu vui là cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân, trung tâm mua sắm, siêu thị... đều đồng tình với việc hạn chế dần sử dụng túi nilon.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải:

Phát triển túi đựng hàng thân thiện với môi trường

Dự tính năm 2009, các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm tại TP.HCM sẽ không được phát miễn phí túi nilon. Những năm kế tiếp sẽ mở rộng ra các chợ bán lẻ. Để thực hiện được, điều cần thiết là phải kiên trì định hướng thói quen của người tiêu dùng, sau đó là vận động các nhà phân phối, bán lẻ giảm phát túi nilon. Ngoài ra, TP.HCM phải mở rộng hệ thống thu gom, đẩy mạnh hoạt động tái chế và nhanh chóng phát triển túi đựng hàng thân thiện với môi trường.

Q.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm