Tái chế chất thải rắn trôi nổi trên kênh

Đông đảo chuyên gia đã có mặt tại hội thảo Tái chế chất thải rắn trôi nổi trên kênh (gọi chung là dự án). Chương trình đặc biệt có sự góp mặt của hai chuyên gia đến từ Hà Lan là bà Yvon Wolthuis và ông Alex Mueller.

Những con kênh đầy rác

Bà Yvon Wolthuis chia sẻ trên thế giới 40% lượng nhựa thải ra đều xuất phát từ các vật dụng dùng đóng gói hàng hóa. Phần còn lại là từ xây dựng, điện, điện tử, xe hơi và các nguồn khác. Khi ra môi trường, nhựa di chuyển theo sông, kênh rạch hướng ra biển; nhựa từ khu rừng ngập mặn trôi ra đại dương mênh mông và quay theo vòng lưu chuyển của biển. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều người du lịch biển thường thấy rác trôi nổi trên mặt nước. Cứ một vài mét người ta lại thấy rác nhựa trên biển và mật độ ngày càng lớn lên. Không những vậy, các loại tảo bám vào sẽ làm nhựa nặng dần, chìm xuống biển và gây ô nhiễm đáy biển. Bà Yvon nói thêm khi nhựa bị thải ra môi trường, chúng làm nguồn thoát nước bị tắc nghẽn, tăng nguy cơ ngập lụt; phát tán bệnh dịch như tiêu chảy, tăng nhãn áp… đến những vùng rất xa. Nhựa tích tụ POP, PCB (*) cùng các chất ô nhiễm khác. Khi cá, chim ăn phải làm giảm khả năng sinh sản vì rối loạn nội tiết và chết do rối loạn tiêu hóa.

Ông Alex Mueller nói rằng chỉ cần đi một vòng bờ biển là có thể nhặt vô số rác do con người thải ra. Ảnh: NGỌC CHÂU

Nhận định về tình trạng thực tế của TP.HCM, ông Alex Mueller cho biết trước đây các khu kênh rạch đều có người sống phía trên nên rác thải trực tiếp xuống dòng nước. Ngày nay, người dân tái định cư, các con kênh rạch được kè hai bên bờ rất đẹp nhưng rác vẫn bị vứt xuống lòng kênh. Ông nói rằng có những con kênh nhỏ chưa được nâng cấp và chứa đầy rác. Trong đó chủ yếu là nhựa, lục bình lẫn lộn vào nhau gây khó khăn trong quá trình xử lý, phân loại.

Nhiều giải pháp thiết thực

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm dự án đưa ra nhiều nhận định. Theo đó, nguồn chất thải trôi nổi trên kênh chính chủ yếu từ những kênh bị lấn chiếm. Một số nhà dân dọc theo những con kênh này không muốn trả tiền thu gom rác và thải xuống kênh. Nhóm dự án đưa ra ba điểm nóng: Rạch Cầu Bông chảy vào rạch Thị Nghè, rạch Cầu Dưa, rạch Bàu Trâu đổ vào Lò Gốm. Để giải quyết điểm nóng này, chuyên gia Hà Lan đưa ra nhiều giải pháp. Thứ nhất về kỹ thuật, thiết kế mẫu bẫy rác nổi dài 3 m, giá thành khoảng 2.000 USD bao gồm chi phí vận chuyển và lắp đặt. Ngoài ra còn có loại thiết bị câu rác nhưng có chi phí cao hơn.

Thứ hai về thể chế, tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ thực trạng rác thải đổ xuống kênh rạch quá nhiều, trong đó có cả thùng xốp, ghế sofa, chiếu… Không chỉ những hộ gia đình nhỏ lẻ mà những cơ sở kinh doanh cũng vứt rác xuống sông. Vì không muốn đóng phí thu gom rác công nghiệp nên có khi 2, 3 giờ sáng họ chở bao tải vải vụn, simili… đem vứt xuống kênh. Mặc dù chúng ta có chính sách xử phạt hiện hành với các mức phạt cụ thể cho từng hành vi xả rác khác nhau nhưng dường như người ta không quan tâm. Do vậy, nhóm dự án đề xuất giải pháp như hình thành cộng đồng, công chức chịu trách nhiệm làm sạch môi trường; bắt buộc tham gia thu gom rác thải; để đại diện phường thu phí rác thải hộ gia đình trong khu vực của họ. Ngoài ra, chi phí thu gom rác được tính vào phí dịch vụ công ích thiết yếu khác như cung cấp nước sạch. Đồng thời áp dụng chính sách xử phạt hiện hành đối với việc xả rác xuống kênh.

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết đi sâu vào lĩnh vực này sẽ có nhiều vấn đề cần phải bàn tính. Việc xử lý rác cần phải gắn kết yếu tố kinh tế, kỹ thuật, xã hội với nhau. Đồng thời, ông cho rằng cần phải tổ chức thêm nhiều hội thảo tương tự vì tại chương trình lần này, mọi người cùng đưa ra ý kiến bổ ích, phản biện và hiểu nhau rất tốt. Từ đó nảy sinh ra nhiều kế sách được hội thảo đánh giá cao. Tuy nhiên, những ý kiến, giải pháp còn vướng nhiều tranh cãi nên cần có đề án, chương trình nghiên cứu cụ thể hơn.

NGỌC CHÂU

(*) POP: Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là một nhóm các hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, có khả năng phát thải và tích lũy sinh học lớn, đe dọa con người, động vật ở cuối chuỗi thức ăn, gây một loạt tác hại về sức khỏe. PCB là các hợp chất được sử dụng trong công nghiệp, gây tác động xấu đến hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ miễn dịch và gan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm