Sức sống mới từ phế thải

TP.HCM đang từng bước vận động, thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Các bãi rác, con kênh ô nhiễm, dòng nước tù đọng dần dần được thay một tấm áo mới sạch hơn, đẹp hơn. Đó cũng là nhờ những quyết sách đúng đắn của cơ quan chức năng mà hơn hết chính là ý thức của cộng đồng dân cư. Đặc biệt, không chỉ có người lớn chúng ta, các cư dân nhí cũng là lực lượng rất quan trọng trong việc xây dựng TP ngày càng đẹp hơn.

Những bàn tay hoa

Nếu có dịp chiêm ngưỡng các tác phẩm tham gia cuộc thi Sức sống mới từ phế thải do Quỹ Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây, bạn sẽ thấy sức tưởng tượng của các em nhỏ là không có giới hạn. Từ những vật tưởng như vô tri vô giác, không còn giá trị sử dụng như chai nhựa, chai thủy tinh, bình đựng, nắp chai, ống hút, muỗng nhựa… lại trở nên cực kỳ đẹp mắt dưới bàn tay biến hóa của các em. Với tác phẩm Vườn cây của em, đội thi của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Bình Tân sử dụng các vỏ nhựa được cắt gọt thật đẹp mắt và trang trí thêm các hình vẽ nhiều màu sắc để trồng cây. Điểm độc đáo của đội thi là không chỉ đảm bảo yêu cầu về tái chế chất thải mà nó còn mang tính sáng tạo, ứng dụng thực tiễn cao. Theo đó, các em đã tái sử dụng dây truyền nước để tưới cây đều đặn từng giọt, giúp giảm công chăm sóc mà vẫn mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, các em còn sử dụng thêm các chai nhựa để tận dụng nước mưa và truyền vào bình tưới. Phần chân có bố trí thêm ống nước để trồng hoa và các loại cây lớn, lại còn có đủ chỗ để xếp thêm hồ cá.

Còn tác phẩm Góc thư giãn của đội đến từ Trường Bình Trị I, quận Bình Tân đã mang đến không gian tĩnh lặng mà theo các em, “Giữa nhịp sống hối hả ấy, đôi lúc con người chúng ta lại muốn được hòa mình vào với thiên nhiên, hoặc tìm đến một không gian tĩnh lặng để nghỉ ngơi, thư giãn”.

Sức sống mới từ phế thải ảnh 1

Tác phẩm Vườn treo di động làm từ vỏ chai cũ được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: NGỌC CHÂU

Vì một thành phố xanh

Trong cả không gian triển lãm, Góc thư giãn đã tạo điểm nhấn độc đáo khi sử dụng vật liệu rất phổ biến là giấy báo. Các bạn cho biết: “Bộ sản phẩm của chúng em còn có bàn, những tấm nệm ngồi, bàn cờ, bộ bình trà và một bình hoa sen. Từ những tờ nhật báo cũ, chúng em đã cuốn lại thành những ống nan, sau đó thêm chút khéo léo và kiên trì, chúng em đã tạo ra bộ sản phẩm đan bằng nan báo, mà thông thường chúng ta thấy được làm bằng mây, tre… Sản phẩm không chỉ giúp cho một góc thư viện trong trường đẹp hơn, mà chúng em còn sử dụng góc sản phẩm này để học tập và vui chơi. Những bạn học sinh đam mê môn đánh cờ giải trí, các bạn cũng có thể ngồi đọc sách, báo, đọc thơ Hồ Chí Minh, đọc những trang sử viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tìm hiểu lịch sử của dân tộc Việt Nam mình”.

Không chỉ có Vườn cây của em, Góc thư giãn mà một số tác phẩm khác như Nuôi dưỡng ước mơ của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh; Hãy bảo vệ dòng kênh của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Bình Chánh; Vườn treo di động làm từ vỏ chai cũ của Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp; Vũ điệu của giấy từ Trường Tô Vĩnh Diện, quận Bình Thạnh… cũng mang lại nét đặc sắc rất riêng. Dạo vòng quanh khu vực triển lãm, anh TĐ (quận 3) hào hứng cho biết: “Thấy mấy tác phẩm của tụi nhỏ làm ra mà chính bản thân tôi cảm thấy bất ngờ, rất sáng tạo và đẹp nữa. Tham quan triển lãm cũng là một cách để thức tỉnh người lớn tụi mình, những đứa nhỏ làm được như thế, ý thức như thế thì mình cũng phải làm sao đó để luôn là hình ảnh gương mẫu trong mắt chúng”.

Đây không phải là lần đầu tiên Sức sống mới từ phế thải được tổ chức nhưng lần nào cũng vậy, cuộc thi đều mang lại làn gió mới thông qua sự sáng tạo rất phong phú của các em. Không chỉ mang lại sân chơi thư giãn, đó còn là cơ hội để các em học sinh tự mình tìm tòi, nghiên cứu, hiểu thêm thế nào là tái chế chất thải, thế nào là 3T, thế nào là bảo vệ môi trường. Cứ thế, bức tranh TP.HCM sạch, đẹp, hiện đại được hình thành từ những hạt mầm bé nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm