Sẽ có “thanh tra môi trường” trong KCX, KCN ở TP.HCM

Trên đây là đề nghị của Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) với UBND TP.HCM về việc sớm phân cấp, ủy quyền cho Hepza có chức danh thanh tra môi trường tại buổi hội thảo góp ý kiến về xử lý môi trường vừa diễn ra vào sáng qua (2-10) do HĐND TP.HCM và Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức...

Khó vì địa bàn quá rộng, doanh nghiệp quá nhiều!

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Hepza đang trình bày tham luận tại hội thảo.Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Hepza: Hiện nay, TP.HCM có ba khu chế xuất (KCX) và 10 khu công nghiệp (KCN) hoạt động với 1.149 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, 427 dự án đầu tư nước ngoài và 677 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất thuê lũy kế hơn 1.124 hecta, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 90%. Toàn bộ các KCX, KCN trên địa bàn sử dụng 250.000 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn có hàng chục cụm công nghiệp lớn nhỏ với hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) khác cùng tham gia sản xuất, xuất khẩu.

Một địa bàn quá rộng và quá nhiều loại hình DN nên công tác giám sát chất lượng môi trường, kiểm tra mức độ ô nhiễm tại các DN vô cùng khó khăn - ông Tuấn Anh cho biết. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, vừa thiếu vừa chồng chéo, chưa có chế tài nghiêm khắc và đủ sức răn đe nên hiệu quả đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm về BVMT chưa cao.

Một khó khăn nữa là việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư vào KCX, KCN do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thì có hợp tác tốt với Hepza. Tuy nhiên, các dự án quy mô nhỏ hơn lại do UBND các quận, huyện cấp “Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường” (theo Luật Bảo vệ môi trường quy định) thì còn nhiều bất cập. Các giấy xác nhận này, UBND quận, huyện không gửi về cho Hepza nên việc theo dõi DN nào đã đăng ký hoặc chưa được xác nhận hoàn toàn “bó tay”. “Hơn nữa, các UBND quận, huyện không nắm rõ hoạt động của DN, dự án trong KCX, KCN nên khi cấp giấy xác nhận chỉ dựa trên báo cáo, không kiểm tra đối chứng thực tế nên nhiều trường hợp không phản ánh đúng thực trạng về môi trường” - ông Tuấn Anh nói.

Theo Hepza, ý thức BVMT của DN còn quá kém, nhất là đang phổ biến tình trạng xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ để đối phó với cơ quan chức năng, chỉ vận hành khi có kiểm tra. DN chưa quan tâm đến công tác BVMT, không tuân thủ các quy định và cũng không có nhân sự chuyên trách về BVMT.

Đặc biệt, việc Thanh tra Sở TN&MT phối hợp với Hepza để xử lý vi phạm các DN gây ô nhiễm vẫn còn nhiều bất cập như: thanh tra không đủ nhân sự để thực hiện nhiệm vụ; xử lý nhẹ so với hành vi vi phạm đã được Hepza xác lập trước đó hoặc xử lý không kịp thời; không kiểm soát xem DN có thi hành quyết định xử phạt hành chính hay không. Theo ông Tuấn Anh, các hình thức xử phạt bằng tiền chưa đủ sức răn đe, nhiều trường hợp không tuân thủ các quyết định xử phạt, không đóng tiền phạt, không thực hiện các biện pháp khắc phục... Và trên hết, các hình thức xử phạt vi phạm nghiêm khắc như đóng cửa sản xuất, ngưng cung cấp nước sạch và điện, không cho thoát nước thải hoặc xử lý hình sự đối với các DN vi phạm nghiêm trọng hiện nay chưa thể thực hiện. Chính vì vậy, vi phạm và tái vi phạm vẫn đang diễn ra phổ biến trong các KCX, KCN do Hepza quản lý.

Thí điểm rút giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư của DN vi phạm

Theo Hepza, đề nghị UBND TP.HCM nhanh chóng phân cấp, ủy quyền cho Hepza có chức năng thanh tra môi trường (quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ về KCN, KCX và khu kinh tế) nhằm tăng cường lực lượng thanh tra tại Hepza. Qua đó nhằm hoàn thiện cơ cấu, bộ máy để thực thi quản lý và BVMT theo Luật BVMT. Đồng thời xây dựng quy chế phối hợp hiệu quả đối với cơ quan quản lý môi trường như Sở TN&MT; cảnh sát môi trường các cấp và UBND quận, huyện có KCN, KCX trú đóng.

Đặc biệt, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường, kiên quyết đề xuất ngưng sản xuất đối với những DN gây phát sinh ô nhiễm. Đề xuất thí điểm rút giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư đối với các DN vi phạm môi trường nghiêm trọng; công khai qua phương tiện truyền thông danh sách các DN vi phạm cũng như làm tốt BVMT. Sẽ thành lập bộ phận BVMT ở các công ty phát triển hạ tầng KCN, KCX do mình quản lý...

Công bố 26 doanh nghiệp gây ô nhiễm tại TP.HCM

Mới đây, Hepza đã công bố danh sách 26 doanh nghiệp (DN) vi phạm trong lĩnh vực môi trường tại các KCN và KCX trên địa bàn TP.HCM. Các DN này đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn, xử lý nước thải không đạt yêu cầu, nước thải chưa qua xử lý nhưng xả thẳng ra đường thoát nước mưa... Theo Hepza, nếu các DN tiếp tục tái phạm sẽ bị đề nghị rút giấy phép đầu tư kinh doanh.

PHI LÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm