Quỹ David Dương: Cần câu giúp nông dân thoát nghèo

Năm 2011, Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương (sau đây gọi là Quỹ David Dương). Ông Dương là Việt kiều Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VWS. Với số tiền 1 tỷ đồng ban đầu, chương trình nhằm hỗ trợ các gia đình khó khăn, mô hình sản xuất giỏi của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có thêm ít vốn, cải thiện kinh doanh, vượt lên cái nghèo.

Quyết tâm làm chủ chính mình

Tâm huyết với ngành thủy sản, Khánh từ bỏ công việc bàn giấy, tập trung vào trại cá giống.

Từ bỏ công việc bàn giấy, anh Cao Phú Khánh, ngụ ấp 2, xã Long Thạnh, Thủ Thừa, Long An, chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh. Vượt qua bao khó khăn, đến nay người thanh niên sinh năm 1986 ấy đã trở thành ông chủ trẻ. Khánh tiếp chúng tôi bằng những ca nước dừa đậm chất miền Tây dân dã, ngọt lịm, thanh mát. Khuôn mặt hiền, thiện cảm, anh kể năm 2016, được sự giới thiệu của anh Tuấn Khanh (tỉnh Đoàn Long An), anh tiếp cận được Quỹ David Dương với số tiền hỗ trợ là 20 triệu đồng.

Ngoài cá nước ngọt, Khánh còn nuôi ếch, rắn Ri Voi, lươn…

Có chút vốn hỗ trợ cộng với tâm huyết với ngành thủy sản, Khánh tập trung vào nghiên cứu sinh sản, phối giống các loài cá nước ngọt và một số loài khác, như: ếch, rắn Ri Voi, lươn… Tiếp đó, anh giao con giống cho các thanh niên trong vùng để nuôi lấy thịt thương phẩm. Đến khi cá, lươn… đủ lớn, anh thu gom lại và chuyển đi phân phối đến chợ đầu mối ở Long An hay Bình Điền, TP.HCM. Với anh, một trong những thành công là tìm được đầu ra ổn định để người nuôi cá bớt lo lắng khi cá quá lứa mà vẫn chưa có chỗ bán. Mới đây, Khánh còn sắm hẳn một chiếc xe tải nhỏ để chở cá đến giao trực tiếp tại các chợ đầu mối. Theo anh Khánh, cách làm này giúp giảm bớt các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí... Hơn nữa, anh lại có thể vừa đảm bảo chất lượng đầu vào và bao tiêu đầu ra, giúp các hộ nông dân yên tâm sản xuất.

Không dừng lại đó, người thanh niên trẻ đang ấp ủ mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát tốt kháng sinh, đảm bảo quy trình khắt khe. Theo anh, kinh doanh sản phẩm sạch là hướng đi bền vững, giúp mang lại ổn định cho các hộ chăn nuôi. Để thực hiện kế hoạch này, Khánh thành lập nhóm gồm bảy thành viên thanh niên cùng hai hộ nông dân tiêu biểu. Được sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, nhóm cùng nhau trao đổi, cập nhật kiến thức thường xuyên để nuôi cá theo đúng tiêu chuẩn. Đồng thời kết hợp với đơn vị khác để có cơ sở pháp lý cho các sản phẩm có điều kiện phân phối rộng và bền vững hơn.

Khánh tâm sự, cũng là thanh niên khởi nghiệp với vô vàn khó khăn ban đầu, anh hiểu vốn liếng ban đầu là rất cần thiết và quan trọng. Vì vậy, dù công việc kinh doanh có thể mang lại thu nhập tốt cho bản thân nhưng anh vẫn duy trì ở mức vừa đủ. Số tiền còn lại Khánh tiếp tục trợ vốn cho các thanh niên khác, hiện tại số vốn anh cho vay lên đến hơn 1,7 tỷ đồng. Đồng thời anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để việc nuôi cá thuận lợi hơn. Nói chuyện với chúng tôi, niềm vui vì những gì mình đã làm được thể hiện rõ trong ánh mắt ông chủ 8x này.

Với tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ cùng sự giúp đỡ những hoàn cảnh xung quanh, Khánh đã nhận được giải thưởng Ngôi Sao Xanh của Tỉnh đoàn tỉnh Long An về Thanh niên kinh doanh giỏi và học tập tốt theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Động viên tinh thần vượt khó

Công nhân tại xưởng mộc đang hoàn thiện sản phẩm để giao khách hàng.

Theo sự giới thiệu của Hội cựu chiến binh xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, chúng tôi đi đến thăm cơ sở mộc của ông Hồ Hoàng Sơn, sinh năm 1961 tại ấp Vàm Kinh. Tiếp cận số vốn từ Quỹ David Dương được bốn năm nay, mặc dù số tiền không lớn nhưng xưởng mộc có thêm điều kiện để trang trải kinh doanh. Ông Sơn cho biết hiện tại xưởng có bốn công nhân làm việc. Những lúc chờ đơn hàng mới, nhờ việc có thêm vốn đã giúp xưởng có thể giữ thợ, mua thêm vật liệu dự trữ. Các sản phẩm của xưởng không xuất khẩu, thường chỉ bán cho bà con nông dân địa phương nên phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập của họ. Những lúc giá lúa lên xuống, chăn nuôi bấp bênh thì thu nhập bà con khó khăn, mình cũng khó khăn theo. Với ý chí quyết tâm làm ăn, tự làm chủ chính mình, mới đây, ông Sơn được UBND tỉnh Long An phong tặng danh hiệu Thợ giỏi.

Đại diện Quỹ David Dương trao quà cho ông Hồ Hoàng Sơn (giữa).

Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình An, cho biết hiện tại hội có khoảng 95 hội viên và hiện có 29 hộ được nhận vốn hỗ trợ từ Quỹ David Dương. Một trong những tiêu chí để lựa chọn các hộ vay vốn trên hết vẫn là tâm huyết, quyết tâm cải thiện cuộc sống. Ông chia sẻ dù số vốn không nhiều nhưng nhờ Quỹ này mà cuộc sống các gia đình khá hơn. Đây cũng là nguồn động viên tinh thần giúp họ vượt qua khó khăn. Qua đó, ông mong mỏi Quỹ David Dương có thể xem xét, tiếp thêm vốn cho các gia đình khác để họ có thêm điều kiện cải thiện kinh tế.

Phương thức hoạt động của Quỹ David Dương khá đơn giản, số vốn vay sẽ được các gia đình hoàn lại để tiếp tục cho người khác có hoàn cảnh khó khăn vay tiếp. Không hẳn ai cũng thành công, cũng có hộ bị thất bại, có những hộ chăn nuôi không thành công, con giống bị bệnh, chết, họ vẫn loay hoay không thể tìm được hướng đi cho mình. Với những hoàn cảnh này, Quỹ David Dương không thể thu hồi lại vốn, vì như vậy vô tình đẩy những gia đình khó khăn vào cảnh khó khăn hơn.  

Long An, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, nơi đó vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, người sáng lập Quỹ, cho biết hằng năm công ty dành hàng tỷ đồng cho công tác xã hội từ thiện. Đặc biệt, Quỹ cũng ưu tiên cho những bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp bằng chính bàn tay, sức lực và tri thức của mình. Và việc hỗ trợ chiếc cần câu thay vì con cá, từ đồng vốn ấy có thể gia tăng sản xuất, cải thiện sinh kế luôn là hướng đi đúng đắn để các gia đình, các thanh niên trẻ có thể tự làm chủ cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm