Phát triển TP phát thải carbon thấp

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế chuyên đề Phát triển thành phố phát thải carbon thấp hợp tác giữa TP.HCM và TP Osaka (Nhật), hai bên đã thống nhất về nội dung xây dựng TP.HCM thành TP phát thải carbon thấp, theo hướng vận dụng cơ chế tín chỉ chung (JCM).

Còn tồn tại nhiều khó khăn

Trong phiên họp chung, TP.HCM nêu ra nhiều vấn đề khó khăn như ngập úng đô thị; thiếu điện vào mùa khô; suy giảm chất lượng nước mặt, nước ngầm; ùn tắc giao thông; lượng chất thải đô thị lớn. Theo đó, TP.HCM đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Osaka nhằm thiết lập kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng hiệu quả; quản lý nguồn nước bền vững; quy hoạch đô thị, quản lý chất thải; thu hồi năng lượng từ rác; xử lý bùn thải… Trong đó có vấn đề về xử lý nước thải (XLNT) công nghiệp. Các thành viên tham gia hội nghị đã thảo luận, thống nhất rằng TP.HCM nên thiết lập bản Kế hoạch hành động hiệu quả trong năm 2015. Đây sẽ là mô hình cho các TP châu Á khác tham khảo.

Tháng 2-2014, tại Hội nghị quốc tế chuyên đề lần thứ hai Khảo sát hỗ trợ phát triển TP phát thải carbon thấp hợp tác giữa TP.HCM và TP Osaka, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật đã được thiết lập từ lâu. Trong đó TP.HCM và Osaka cũng bắt đầu bằng việc ký kết những biên bản ghi nhớ. Mối quan hệ này dần trở nên sâu sắc hơn bằng những chương trình, dự án thiết thực được thực hiện tập trung vào vấn đề năng lượng, giao thông, nguồn nước, nước sạch, hệ thống XLNT…

 
Đầu tư hệ thống XLNT giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn nước TP. Ảnh: NGỌC CHÂU

Áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường

Tại hội nghị, phía Osaka đã báo cáo cuộc điều tra nghiên cứu về việc áp dụng công nghệ phát thải thấp trong XLNT công nghiệp ở TP.HCM. Mục đích tìm hiểu thực trạng XLNT tại các KCN ở TP.HCM; nắm bắt vấn đề và nhu cầu công nghệ tái sinh giúp cắt giảm khí nhà kính; hướng tới hỗ trợ áp dụng các công nghệ phòng, chống ô nhiễm nước hiệu suất cao; tiết kiệm năng lượng… Để thực hiện nghiên cứu này, từ thông tin của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, phía Osaka đã chọn ra ba KCN để thực hiện điều tra bảng hỏi. Qua đó thu thập thông tin về các doanh nghiệp thuê đất trong KCN, vấn đề về nước thải, XLNT. Tại KCN Hiệp Phước, công suất của hệ thống XLNT tập trung hiện tại là 3.000 m3/ngày đêm, ở KCN Bình Chiểu là 1.500 m3/ngày đêm, ở Khu công nghệ cao TP.HCM là 5.000 m3/ngày đêm.

Ngoài các KCN còn có khoảng 16 khu tập trung các doanh nghiệp cùng ngành nghề tại TP.HCM. Trong đó có hai cụm có hệ thống XLNT, một số cụm công nghiệp thuộc nhóm 17 ngành nghề bị cấm. Đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy cũng có một số doanh nghiệp lớn, hoạt động gần khu dân cư. Theo nhận định từ phía Osaka, về mặt chính sách, TP.HCM đang chuyển từ việc loại trừ các ngành nghề bị cấm sang khuyến khích áp dụng các công nghệ phòng, chống ô nhiễm. Có thể thấy quan điểm chung là ngay cả những ngành nghề bị cấm nếu thực hiện tốt công tác phòng, chống ô nhiễm thì vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Do đó chúng ta có thể nghĩ tới nhu cầu áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường bao gồm công nghệ phát thải thấp. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó huy động được vốn cho việc đầu tư mới, vận hành, duy tu quản lý các thiết bị bảo vệ môi trường.

NGỌC CHÂU

 
Intel Products Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM, quận 9, TP.HCM) vừa đưa vào sử dụng hệ thống tái sử dụng nước, cho phép tái sử dụng 100% lượng nước thải công nghiệp từ nhà máy, giúp tiết kiệm được gần 200 m3 nước sạch mỗi ngày, gần 74 triệu lít nước mỗi năm, giảm khoảng 40% lượng nước tiêu thụ. Hệ thống này được thiết kế với hai thùng chứa nước giúp trữ đủ lượng nước thải; bộ điều khiển tưới cỏ thông minh tối ưu hóa lượng nước tưới cỏ theo mùa; thiết bị đo điều kiện thời tiết để bật-tắt hệ thống tưới cỏ tự động với diện tích 90.000 m2. Ngoài ra còn có thiết bị XLNT từ nhà máy, nước từ tháp giải nhiệt và nước thải từ hệ thống thẩm thấu ngược.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm