XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG – NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Phạt nặng nếu ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Hoạt động này đã mở rộng sang nhiều nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… và Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) là chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Hàn Quốc theo Luật Việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

Bộ LĐ-TB&XH đã ký Bản ghi nhớ với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.

Hàn Quốc được đánh giá là thị trường khá thoáng với người lao động nước ngoài, với tiêu chuẩn tương đối nhẹ và phù hợp với nhiều người lao động, như: đủ sức khỏe, chăm chỉ làm việc, trình độ tiếng Hàn không cao và không cần phải có nghề. Người lao động làm việc tại Hàn Quốc có điều kiện bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cao, bình quân khoảng 1.000 USD/tháng. Hàn Quốc là một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây tình trạng người lao động phái cử từ các nước, trong đó có lao động Việt Nam đến Hàn Quốc làm việc vi phạm hợp đồng, hết hạn hợp đồng lao động không về nước, cư trú bất hợp pháp có chiều hướng gia tăng.

Lao động Việt Nam làm việc trong ngành chế biến thực phẩm. Ảnh: H.HOA

Do đó, Hàn Quốc đã tạm dừng nhận lao động mới của Việt Nam và chỉ tiếp nhận lao động Việt Nam đã từng làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và có nguyện vọng quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Quyết định này của phía Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động Việt Nam.

Để Hàn Quốc tiếp tục gia hạn chương trình EPS, Việt Nam đang cố gắng giảm tỉ lệ bỏ trốn, người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn tới mức có thể chấp nhận được. Đồng thời, Hàn Quốc đã đưa ra các quy định nhằm hạn chế tình trạng này, cụ thể theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, người lao động nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng lao động, không về nước đúng hạn, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp sẽ bị các cơ quan chức năng của Hàn Quốc truy quét, bị bắt giữ và bị xử lý: Bị phạt số tiền 20 triệu won (hơn 420 triệu đồng) hoặc bị phạt tù ba năm. Ngoài ra, sau khi chấp hành án phạt tại Hàn Quốc, những người lao động này sẽ bị trục xuất về nước và sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc.

Trước thực trạng nêu trên, nhằm cải thiện quan hệ hợp tác lao động và tạo điều kiện cho nhiều lao động Việt Nam có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc, các cơ quan quản lý lao động, bộ, ngành, địa phương... tại Việt Nam đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động các gia đình có con em sang Hàn Quốc làm việc về nước đúng hạn.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:

1. Người lao động bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian hai năm đối với các trường hợp sau:

- Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú.

- Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.

2. Người lao động bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng, buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn năm năm đối với các trường hợp sau:

- Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.

- Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.

- Đối với người lao động Việt Nam ở nước ngoài có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động xảy ra trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành mà tự nguyện về nước trước ngày 10-3-2014 thì không áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm