Phát hiện sớm bệnh mắt của trẻ sơ sinh

Đôi mắt như thế nào là bình thường?

Thị giác của trẻ sẽ phát triển từ khi sinh ra đến lúc sáu tuổi thì hoàn thiện cùng với cấu trúc của hệ thần kinh trung ương. Trước hai tuổi, nhận định trẻ có sức nhìn bình thường hay không dựa vào các phản xạ:

- Bị thu hút vào vật gây kích thích.

- Cố định mắt vào vật gây kích thích.

- Theo đuổi vật khi vật này di chuyển.

Vật kích thích ở đây thường là đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, nguồn sáng hoặc chính là khuôn mặt của người mẹ khi ở tư thế mặt đối mặt. Sau ba tuổi, chúng ta có thể dùng các bảng thị lực có chữ cái, các hình tượng để thử thị lực cho trẻ.

Ở giai đoạn hai năm tuổi, thị lực của trẻ có thể ước lượng được bằng một dụng cụ đặc biệt của Teller.

Mù bẩm sinh, rất đáng sợ!

Mù ngay lúc mới sinh ra là tật không có nhãn cầu, nhãn cầu nhỏ, mắt to như mắt trâu do glôcôm bẩm sinh, mờ đục giác mạc cả hai bên. Các dấu hiệu thường gặp như: trẻ không chú ý đến các nguồn sáng, thờ ơ với xung quanh, mắt nhìn xa xăm, cử động mắt bất thường.

Trong năm đầu tiên, những bệnh lý thuộc về khối u cũng có thể gây mù lòa do u xơ thần kinh, u sọ hầu, teo TTK do não úng thủy, các bệnh lý thoái hóa.

Hiện tượng đồng tử trắng hay mắt mèo mù, nếu thấy nên đưa trẻ đi khám ngay vì đây là nhóm bệnh nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu cơ bản mà cả bố mẹ và các bác sĩ đều thấy là lỗ con ngươi có màu trắng. Các dấu hiệu đi kèm có thể là lác, xuất huyết trong mắt, rung giật nhãn cầu, trẻ hay giụi mắt.

Nguyên nhân rất đa dạng, như: ung thư nguyên bào võng mạc, đục thể thủy tinh, bệnh võng mạc trẻ đẻ non, bong võng mạc...

Lác

Lác dễ nhận thấy nhưng cần xác định lại tại các trung tâm nhãn khoa. Lác thường do yếu tố gia đình, có thể là lác cơ năng thường do các tật khúc xạ gây nên như viễn thị, cận thị có thể đi kèm với loạn thị. Cận thị thường gây lác ra ngoài, viễn thị gây lác vào trong. Lác còn có thể do các nguyên nhân thực thể khác như: đục thể thủy tinh, ung thư nguyên bào võng mạc, dị tật bẩm sinh và di chứng não.

Điều trị lác nên được tiến hành càng sớm càng tốt để tránh nhược thị cho trẻ và kết quả thẩm mỹ được tối ưu.

Ngoài ra, một mắt lồi to hơn mắt kia hoặc cả hai mắt lồi to bất thường nên đưa trẻ đi khám ngay:

- Mắt lồi to và không thụt vào khi ấn hay thụt vào rất ít có thể do u của hốc mắt.

- Bản chất thường là chính các tổ chức trong hốc mắt: u xơ, u cơ, u thần kinh, u mạch...

- Cũng có thể là các khối u lân cận xâm lấn vào hoặc di căn từ xa.

Các bệnh lý thuộc loại viêm nhiễm ở trẻ em hay gặp

Viêm kết mạc kèm với viêm tắc đường lệ là bệnh lý hay gặp: trẻ ra gỉ mắt kèm theo chảy nước mắt nhiều ngay cả khi không khóc, lông mi luôn ướt át và dính bết chất nhày. Đây là bệnh hay gặp nhưng không gây mù lòa và nên điều trị tại cơ sở chuyên khoa.

Viêm kết mạc do lậu cầu, do Clammydia Trachomatis gần đây hiếm gặp do công tác vệ sinh sản phụ, nhỏ thuốc phòng ngừa cho trẻ sơ sinh được tiến hành rất tốt. Triệu chứng của bệnh là chảy mủ ở mắt đặc và nhiều, lau không xuể. Mi mắt của bé sưng mọng khiến ta không thể nhìn thấy lòng đen. Trông ghê sợ như vậy nhưng nếu bé đến sớm và được điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi rất nhanh. Viêm mi do vi khuẩn, thường là cầu khuẩn, nếu điều trị bằng kháng sinh tại chỗ thì lui giảm rất nhanh.

Thuốc nhỏ mắt không phải là quà tặng cho trẻ em

Các thuốc sát trùng như thuốc đỏ 2%, Agryzol 1%, Betadine 5%, Vitabact... chỉ nên dùng trong vài ngày để đề phòng nhiễm khuẩn. Các thuốc này gây đông vón prôtêin của vi sinh vật nhất thời nên không thể dùng đơn lẻ để điều trị một viêm nhiễm thực thụ do vi khuẩn. Các kháng sinh đều nên thận trọng khi dùng cho trẻ em, nhất là dùng dài ngày. Nước muối sinh lý 0,9% có thể dùng dài ngày để rửa mắt, điều trị phối hợp các viêm nhiễm tại kết mạc và giác mạc. Các thuốc chống viêm, giảm miễn dịch, kháng virus, vitamine cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

NSĐT (theo vov và BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm