Phần mềm ứng dụng quản lý chất thải rắn

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng phần mềm trong việc lựa chọn công nghệ quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)”. Hội thảo đã đưa ra những nhận định về tình hình rác thải tại khu vực TP.HCM và giải pháp để quản lý vấn đề rác thải.

Rác thải ảnh hưởng rất lớn đến môi trường

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Việt (Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn - Sở TN&MT TP.HCM) đã báo cáo về hiện trạng quản lý chất thải rắn đô thị tại TP.HCM. Theo báo cáo, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ. Tại đây tập trung nhiều khu công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực.

Cũng trong năm qua, TP.HCM đã tiêu thụ 16.086 kWh điện, 4 triệu tấn nhiên liệu. Đồng thời, mỗi ngày hơn 2 triệu tấn chất thải rắn, lỏng và khí các loại được đưa vào môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng cuộc sống và môi trường giảm sút. Ông Việt còn cho biết các thành tựu đạt được về xóa đói giảm nghèo, sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trường… do quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong nhiều năm qua có nguy cơ đổ vỡ do nạn ô nhiễm môi trường.

Phần mềm ứng dụng quản lý chất thải rắn ảnh 1

TP.HCM đang phải đối mặt với lượng rác đang phát sinh ngày càng nhiều.

Hiện trạng quản lý chất thải rắn tại TP.HCM

Năm 2009, khối lượng CTRSH phát sinh gần 2,4 triệu tấn/năm với tốc độ tăng 6%-8%/năm. Hiện tại, TP có hai khu liên hợp xử lý chất thải rắn là Đa Phước, Bình Chánh và Tây Bắc Củ Chi. Khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn TP 6.200-6.700 tấn/ngày, trong đó có hơn 1.000 tấn đưa về Nhà máy Vietstar để thực hiện sản xuất phân compost, phần còn lại thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh. Dự kiến cuối năm 2011, dự án xử lý CTRSH thành phân compost của Công ty Tâm Sinh Nghĩa đi vào hoạt động với công suất là 1.000 tấn/ngày. Và đến năm 2015, TP kêu gọi thêm hai dự án đốt rác phát điện đi vào hoạt động. Với các dự án này, đảm bảo xử lý CTRSH của TP.HCM đến năm 2030.

Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, TP sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến trong xử lý CTRSH của TP, đảm bảo giảm khối lượng chất thải rắn đem chôn lấp.

Trước đó, năm 2003 chương trình xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn được thực thi. Nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước đã tham gia đầu tư hoặc đang trong giai đoạn bổ sung hồ sơ xin cấp phép. Năm 2006, bộ tiêu chí đánh giá lựa chọn các dự án xử lý chất thải rắn do UBND TP.HCM ban hành chưa đủ chi tiết. Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ phù hợp, có khả năng đáp ứng “đa mục tiêu” của TP là một vấn đề khó khăn. Tính “đa mục tiêu” bao gồm: xử lý triệt để lượng CTRSH phát sinh với công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam, phù hợp với các điều kiện tự nhiên-văn hóa-xã hội TP, kinh phí hợp lý. Công nghệ lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí quản lý, quy hoạch ngắn và dài hạn, phù hợp với các chương trình chung của TP.

Phần mềm ứng dụng quản lý chất thải rắn

Trước thực tế đó, Sở TN&MT TP.HCM kết hợp với Trường ĐH Văn Lang và ĐH Wageningen (Hà Lan) đã thực hiện đề tài “Xây dựng phần mềm hỗ trợ các nhà quản lý môi trường đưa ra các quyết định về quản lý chất thải”. Chương trình được chạy thử trên phần mềm Mathematical Programming Language (MPL).

MPL được thiết kế giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển và xử lý chất thải, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường, cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội. Ngoài ra, phần mềm này tối đa lượng năng lượng sản xuất từ xử lý rác trong điều kiện nguồn kinh phí có giới hạn. Hơn nữa, nó cũng đáp ứng được các chương trình đang hoặc sắp vận hành của TP như biến đổi khí hậu, CDM (cơ chế phát triển sạch), phân loại rác tại nguồn…

Với MPL, người dùng chỉ thao tác đơn giản để nhập dữ liệu. Sau đó, kết quả sẽ được hiển thị với phương án tối ưu. Phần mềm được sản xuất tại Mỹ, áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý ở nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Chương trình được viết với cấu trúc đơn giản, hiệu quả với giá cả hợp lý. Nếu phần mềm này được áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý rác thải thì khu vực TP.HCM sẽ xanh - sạch - đẹp.

Năm 2010, dân số TP có hơn 9 triệu người với diện tích 2.095 km2, GDP ước đạt 418.068 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 12% trở lên. GDP bình quân đầu người khoảng 2.800 đôla, đóng góp 22,5% ngân sách quốc gia.

(Theo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần IX)

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm