Ô nhiễm không khí - bài 1: Nồng độ bụi có chiều hướng gia tăng

Hiện nay, ô nhiễm không khí (ONKK) đang là vấn đề nóng của Việt Nam và TP.HCM. Nguyên nhân chính là do tốc độ phát triển đô thị hóa quá nhanh gắn liền với sự gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông. Cùng với đó là sự gia tăng của các ngành công nghiệp chủ đạo như xi măng, luyện thép, nhiệt điện, đốt than…

Ảnh hưởng đến sức khỏe con người

ONKK mỗi ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như làm cay mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè, giảm chức năng phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư... Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là bụi ở khắp nơi, chỗ nào cũng có. Dường như chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân không chỉ với giới nữ mà còn với tất cả mọi người mỗi khi ra đường. Anh Hoàng Hải (Gò Vấp) cho biết: “Cái này thì thường quá rồi, đâu đâu cũng thấy người ta đeo khẩu trang bất kỳ sáng, chiều hay tối, tôi còn nhớ có thời nhiều người lên án việc đeo khẩu trang bịt mặt như ninja nhưng cũng dễ hiểu thôi vì bụi quá mà, mình phải bảo vệ sức khỏe mình trước chứ”. Thông tin trên là một phần trong báo cáo tham luận của GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, tại hội nghị về môi trường diễn ra mới đây khi nói về hiện trạng môi trường mà con người đang phải đối mặt.

Bụi đang có chiều hướng gia tăng tại các tuyến đường giao thông, nhà máy lớn, khu công nghiệp… Ảnh: NGỌC CHÂU

Nồng độ bụi gia tăng

Tại Việt Nam, theo Trung tâm Quan trắc môi trường, kết quả quan trắc hiện trạng môi trường không khí giai đoạn 2008-2012 cho thấy chất lượng môi trường không khí đang bị suy giảm. ONKK chủ yếu là bụi, đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tuyến đường giao thông, giao lộ, khu vực đang trong quá trình xây dựng, nhà máy lớn, khu công nghiệp tập trung. Một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm CO, NO2 và tiếng ồn cục bộ cao. Khí NO có xu hướng tăng lên cao vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Đối với các khí độc hại khác như toluen, xylen, nồng độ cũng có xu hướng tăng ở ven các trục giao thông tuy vẫn còn dưới mức quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Riêng nồng độ benzen tại TP.HCM đã vượt QCVN nhiều lần.

Ở các khu dân cư nằm trong đô thị lớn chịu ảnh hưởng của giao thông, mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng nhiều lần. Trên phạm vi cả nước, năm 2011 ghi nhận mức độ không khí bị ô nhiễm bụi nhiều nhất. Nồng độ bụi tại hầu hết điểm quan trắc xung quanh các khu, cụm công nghiệp đều vượt ngưỡng quy định, một số điểm vượt tới 3-4 lần. Mặt khác, môi trường ONKK tại các làng nghề, ô nhiễm mùi đang là vấn đề đáng quan tâm. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ các loại dung môi hữu cơ được sử dụng trong quá trình sơn, đánh bóng sản phẩm sau sản xuất, mùi từ các làng nghề chế biến nông sản, mùi hôi do chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Ô nhiễm khu dân cư

Tại TP.HCM, nhìn chung môi trường không khí ở khu dân cư chưa bị ô nhiễm đáng kể. Kết quả quan trắc tự động trong năm 2013 cho thấy nồng độ các chất ONKK đều đạt QCVN 05:2009 và QCVN 06:2009. Tuy nhiên, nồng độ benzen tại một số vị trí quan trắc đã vượt quy chuẩn. Chẳng hạn như khu dân cư cạnh KCX Linh Trung 2 và một phần khu dân cư Lê Minh Xuân. Theo kết quả quan trắc ONKK do giao thông năm 2013 của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP.HCM cho thấy nhiều chỉ tiêu đo được đều vượt quy chuẩn. Nồng độ bụi lơ lửng cao nhất tại An Sương, tiếp đó là Phú Lâm, ngã sáu Gò Vấp, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát và thấp nhất tại Hàng Xanh. So với năm trước đó, nồng độ bụi lơ lửng giảm 2%-9%; ngoại trừ tại Phú Lâm và ngã sáu Gò Vấp tăng khoảng 8%.

Trong năm 2013, do có số ngày mưa nhiều, rải rác mưa trái mùa đã góp phần làm giảm nồng độ bụi lơ lửng tại một số trạm. Nồng độ CO tại thời điểm đo hầu hết đạt quy chuẩn, chỉ vài thời điểm cao hơn mức cho phép. Tuy nhiên, nồng độ NO2, nồng độ chì, mức ồn… vẫn khá cao. Trước tình hình này, chúng ta cần ngay những giải pháp để từng bước giải quyết vấn đề ONKK. Có như vậy mới góp phần xây dựng TP.HCM xanh, sạch, đẹp, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư.

NGỌC CHÂU

Đón đọc bài 2: Triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm