“Tôi đóng góp cho bình đẳng giới” - Kỳ 2

Nữ chiếm tỉ lệ thấp chưa từng thấy trong Quốc hội

Về vấn đề BĐG trong chính trị, Điều 11 Luật Bình đẳng giới quy định nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Đồng thời luật này cũng đã đặt ra các biện pháp nhằm thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị bao gồm bảo đảm tỉ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phù hợp với mục tiêu quốc gia về BĐG; bảo đảm tỉ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về BĐG.

Với các chủ trương, chính sách về BĐG, trong những năm qua kết quả về BĐG trong lĩnh vực chính trị cũng đã có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra và mặt bằng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới thì quá trình thực hiện BĐG của nước ta, việc tăng tỉ lệ nữ giới tham gia vào lĩnh vực chính trị có chựng lại, thậm chí là thụt lùi. Nữ chiếm tỉ lệ 24,4% trong Quốc hội, đây là tỉ lệ thấp nhất trong bốn khóa Quốc hội gần đây. Trong khi đó chiến lược quốc gia về BĐG đề ra mục tiêu tỉ lệ nữ đạt trên 35% trong Quốc hội và HĐND trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Khi xu thế toàn cầu tỉ lệ phụ nữ tăng lên trong Quốc hội ở các quốc gia khác thì ở nước ta ngược lại. Rõ ràng Đảng, Nhà nước đã có chủ trương về tăng tỉ lệ nữ giới tham chính nhưng thực tế thì việc thực hiện các chủ trương này vẫn chưa triệt để. Điều này đòi hỏi các cơ quan tham mưu, góp ý, đề cử đại biểu tham gia HĐND các cấp, Quốc hội phải nâng cao tỉ lệ nữ trong danh sách đề cử. Đồng thời việc lựa chọn đại biểu, nhân sự nữ cũng cần phải kỹ càng, chất lượng để khi người dân, cử tri bầu cử có cơ sở lựa chọn đại biểu.

Cùng với đó, các cơ quan nhà nước, hội phụ nữ, UBMTTQ cần có biện pháp tuyên truyền tới nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ trong việc tham gia hoạt động chính trị để người dân bớt tâm lý không coi trọng phụ nữ. Bản thân các cán bộ phụ nữ khi được bầu, bổ nhiệm thì cũng cần phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, chứng minh năng lực của mình để đoàn thể, nhân dân tin tưởng.

Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội xu hướng tăng không bền vững và có dấu hiệu đi xuống trong hai nhiệm kỳ liên tục (khóa X: 26,2%, khóa XI: 27,3%, khóa XII: 25,7% và khóa XIII: 24,4%) và chưa đạt chỉ tiêu của chiến lược quốc gia về BĐG đề ra đại biểu nữ từ 30% trở lên trong nhiệm kỳ 2011-2015.

LS NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm