Nhựa không phải là thức ăn của động vật biển

Ảnh: ST

Trong cuộc sống hàng ngày, vai trò các sản phẩm nhựa đối với người dân là vô tận. Bạn có thể đưa ra nhiều dữ liệu thống kê về số lượng sản xuất nhựa nhưng tác động tiêu cực của chúng dường như khó có thể đo đếm được.

Tác động đến biến đổi khí hậu

Nhiều người thường nói vui rằng nhựa là một “siêu anh hùng” bởi chúng giúp cho cuộc sống thuận tiện hơn. Đúng vậy, nhựa rất bền, rẻ, chúng có thể dùng đựng các món ăn, đồ uống thơm ngon, gọn gàng. Song bạn có biết rằng để làm ra nhựa cần có dầu mỏ. Ước tính để sản xuất khoảng 30 triệu bao nylon thông thường, chúng ta cần khoảng 12 triệu thùng dầu. Không chỉ khai thác nhiên liệu tự nhiên, việc khoan, vận chuyển và chế biến dầu thành nhựa là quá trình sử dụng rất nhiều năng lượng. Đốt nhiên liệu cũng làm tăng tác động của biến đổi khí hậu. Người ta ước tính việc sản xuất nhựa thải ra lượng carbon khoảng 500 triệu tấn/năm, tương đương với lượng phát thải từ 19 đến 92 triệu chiếc xe hoạt động trên đường.

Có thể bạn đã quen thuộc với sự tồn tại của ô nhiễm chất thải nhựa trong đại dương: Một chai nước bị du khách ném xuống biển hay chiếc bao nylon theo làn gió phát tán khắp nơi…

Theo nghiên cứu gần đây được công bố trên One Green Planet, các nhà khoa học ước tính rằng 8,8 triệu tấn chất thải nhựa đã kết thúc vòng đời tại đại dương vào năm 2010. Với việc sử dụng vật dụng nhựa ngày càng trở nên phổ biến, ước tính con số này sẽ tăng gấp mười lần ở thập kỷ tiếp theo. Một nghiên cứu khác của Viện 5 Gyres (Hoa Kỳ) ước tính hiện có 5,25 ngàn tỷ hạt nhựa có mặt ở biển. Nguồn chất thải này rộng khắp, bao gồm lưới đánh cá, đồ đựng thức ăn, nước giải khát, vật dụng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, ống hút, túi xách… Và cuối cùng nhựa có nguy cơ trở thành thức ăn cho loài động vật biển.

Mất cân bằng hệ sinh thái

Theo nghiên cứu của Đại học Plymouth (Anh quốc), ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tới ít nhất 700 loài sinh vật biển; ít nhất 100 triệu động vật có vú biển chết mỗi năm do ô nhiễm nhựa. Một số bị ảnh hưởng sâu sắc nhất, đầu tiên là rùa biển. Chúng nhầm lẫn chất thải nhựa là thực phẩm, gây tắc nghẽn trong hệ tiêu hóa. Mặc dù những năm gần đây số lượng rùa biển suy giảm do nhiều yếu tố nhưng ô nhiễm nhựa đóng một vai trò quan trọng. Kế đến là hải cẩu, sư tử biển, chim biển, cá voi, cá heo và loài cá khác. Việc nuốt phải chất ô nhiễm bằng nhựa có thể làm chậm quá trình phát triển của động vật biển. Chúng bị tổn thương do mắc phải dây, lưỡi câu, dây thừng… thậm chí là tử vong. Vậy, việc sử dụng hàng triệu tấn nhựa nhằm đáp ứng cho nhu cầu hàng ngày của con người có đáng để các loài động vật nhận lấy hậu quả trên?

Ô nhiễm chất thải nhựa đã tác động gần như mọi sinh vật sống, làm suy giảm số lượng loài ở tự nhiên. Thế nhưng sự tồn tại của loài người lại phụ thuộc chặt chẽ vào cân bằng trong hệ sinh thái. Bởi vậy chúng ta cần tinh thông trong việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa để mọi người, mọi loài có cuộc sống dễ chịu, an toàn hơn.

Hãy ý thức: Nếu bạn đang ở trên bãi biển hoặc công viên, hãy dọn dẹp rác thải từ chính thức ăn bạn mang theo. Làm cử chỉ đẹp ở nơi công cộng là thông điệp rất hiệu quả để những người xung quanh cùng ý thức như bạn.

Tái chế: Hãy áp dụng điều này vào cuộc sống hàng ngày của bạn bằng cách tái chế. Hoặc đơn giản hơn, hãy thu gom đồ dùng có thể tái chế đến các điểm thu gom tại địa phương để được xử lý đúng cách.

Khi có thể, hãy nói “Không”: Đi mua sắm, bạn nên hạn chế sử dụng túi nylon thông thường. Nên đem theo túi vải, túi sử dụng nhiều lần; mang theo bình nước cá nhân thay vì sử dụng của cửa hàng... Đặc biệt, khi sử dụng đồ dùng nhựa bạn nên ý thức hơn, đừng ném rác thải xuống biển. Động vật cũng có tình cảm, biết yêu thương, hãy yêu chúng để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm