Nhiều ngư dân Ninh Thuận đã vay được vốn đóng tàu

Khi chính sách hỗ trợ cho vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ được ban hành, người dân ồ ạt đăng ký vay vốn, sau đó lại ồ ạt rút lui. Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng làm khó khiến ngư dân chật vật trong việc tiếp cận vốn nhưng thực tế tại các địa phương tình hình lại trái ngược.

Nhiều ngư dân Ninh Thuận đã vay được vốn đóng tàu ảnh 1
 Agribank chi nhánh Ninh Thuận đã giải ngân gần 100 tỷ đồng cho ngư dân.

Nhiều ngư dân đã tiếp cận được vốn mua tàu

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cho biết, khi thực hiện NĐ67 huyện đã triển khai xuống các xã, thôn về thủ tục để xét duyệt việc vay vốn. Các xã sẽ chọn những người có đủ điều kiện (như khai thác tốt, sản lượng cao…) đưa danh sách lên huyện rồi từ đó chuyển lên cấp cao hơn. Cùng lúc đó một bộ danh sách hồ sơ sẽ được gửi cho ngân hàng để nơi này thẩm định trước khi bơm vốn. Tuy nhiên quá trình từ khâu bình chọn đến khi giải ngân cũng mất nhiều thời gian. Từ khi Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ninh Hải tổng lực triển khai thì người dân đã tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn.

Ông Đặng Ngọc Ba – Giám đốc Agribank chi nhánh Tỉnh Ninh Thuận cho biết, triển khai NĐ 67 lúc đầu rất khó khăn do nhiều yếu tố khách quan như ngư dân chưa quen với các giao dịch tài chính. Cạnh đó cũng có nhiều hiểu lầm liên quan tới việc cho vay theo NĐ 67. “Nhiều ngư dân thấy lãi suất thấp chỉ 1% đã nộp đơn để vay. Họ nghĩ rằng vốn sẽ được giải ngân một cục và khách hàng được giữ tiền. Tuy nhiên ngân hàng chỉ giải ngân theo tiến độ, trực tiếp với đơn vị đóng tàu nên nhiều ngư dân không muốn vay nữa. Do thời gian làm thủ tục vay vốn đóng tàu là khá lâu, có trường hợp bản thân ngư dân đã có sẵn một khoản tiền rồi, họ không muốn bỏ lỡ một mùa đánh bắt nào nên đã huy động tiền theo cách khác để tự đóng tàu ngay”, ông Ba nói.

Ông Đinh Thế Mẫn- Giám đốc Agribank huyện Ninh Hải thông tin, việc đi xuống các xã, thôn để tuyên truyền hướng dẫn giấy tờ vay vốn là vô cùng cần thiết. “Chúng tôi để lại số điện thoại, nếu có vấn đề khúc mắc, ngư dân có thể liên lạc hỏi. Nhờ thế nhiều ngư dân đến nay đã tiếp cận được vốn vay”, ông Mẫn nói.

Nhiều ngư dân đã vay được vốn đóng tàu

Từ đầu năm đến nay Agribank chi nhánh tỉnh  Ninh Thuận đã hỗ trợ vốn cho 13 hộ ngư dân đủ điều kiện vay đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng nhu cầu vốn gần 79 tỷ đồng.

Không những tư vấn thủ tục, cách thức để người dân vay vốn, ông Ba cho hay, nhân viên ngân hàng còn tư vấn cả về việc nên đóng tàu thiếc, composite thay vì tàu gỗ. Để người dân hiểu hơn về loại tàu này nhân viên ngân hàng còn dẫn ngư dân đến tận nơi đóng tàu xem tận mắt chiếc tàu đó.

Anh Nguyễn Đức Hải, ở xã Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận), chủ một con tàu vừa hoàn thành đã đi vào sử dụng. Con tàu này được vay theo NĐ67 với số vốn là là 7,2 tỉ và lãi suất 1%. Anh Hải chia sẻ: “Ban đầu tìm hiểu thấy vay vốn lãi suất rẻ nhưng giấy tờ thủ tục rất phức tạp. Chúng tôi lại chỉ quen với thuyền, với biển với cá với tôm nên cũng nản lắm. Nhưng cán bộ ngân hàng tư vấn động viên cứ làm từng bước một. Cho đến khi hoàn thành thì thấy mọi việc cũng không có khó khăn gì”, anh Hải nói.

Với 7 huyện, thành phố, Ninh Thuận có 47 xã xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 30-10,  Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư các chương trình cho vay đến 100% số xã trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần vào xây dựng nông thôn mới với tổng dư nợ là 1466 tỷ đồng,  24.888 khách hàng vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm