Năm nhóm giải pháp chống ô nhiễm ở TP.HCM

Nước thải y tế... vẫn chưa có chuyển biến!

Trong báo cáo thực trạng của Sở Y tế, phần rác thải cho thấy gần như 100% các bệnh viện công lập và dân lập đều có ký kết hợp đồng thu gom chất thải rắn y tế (rác y tế) với các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, công tác phân loại cho đúng giữa rác y tế và rác sinh hoạt chỉ đạt 78% đối với y tế công lập và 60% đối với y tế dân lập. Trong khi đó, việc thu gom rác y tế ở các cơ sở y tế tư nhân chỉ đạt hơn 55%. Lý giải về việc này, Sở Y tế cho rằng việc thu gom đã giao về cho các công ty dịch vụ công ích quận/huyện và nguyên nhân là do chưa quản lý chặt chẽ và đồng bộ.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế, tổng lượng nước thải y tế trên địa bàn thành phố có khoảng 27.000 m3/ngày. Tuy nhiên, đề cập đến việc xử lý nước thải y tế, ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM lo ngại khi cho rằng: Còn hơn 90 cơ sở y tế (trong tổng số 139 bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng) có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đạt tiêu chuẩn hoặc chưa có. Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa khắc phục được ô nhiễm phát sinh từ nước thải. Đây là một vấn đề đã được các sở, ngành, UBND nói hoài nhưng vẫn chưa có chuyển biến!?

Thu gom vận chuyển rác, thiếu một “kiến trúc sư trưởng”

Nói về thực trạng công tác thu gom, vận chuyển ở TP.HCM, ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị cho biết: Thu gom rác tại các hộ dân thì do dân lập tự thực hiện; quét dọn đường sá thì do công ty dịch vụ công ích các quận/huyện làm; thu gom, vận chuyển đến trạm trung chuyển và bãi xử lý do công ty dịch vụ công ích quận/huyện và HTX công nông thực hiện với tỷ lệ 45% và Công ty Môi trường đô thị thực hiện 55%. Riêng công tác xử lý rác ở Khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp (Củ Chi) do Công ty Môi trường đô thị thực hiện; xử lý rác tại Khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước (Bình Chánh) do VWS thực hiện, bình quân hơn 3.000 tấn/ngày.

Trước mô hình quản lý và phân chia trách nhiệm trên, nhiều đại biểu cho biết thêm: Hệ thống rác dân lập hiện nay là tự phát, thường do các đầu nậu đứng ra quản lý, thỏa thuận mua bán những đường dây rác, chia vùng và tự thu phí... Trong khi đó, việc quản lý tổ rác dân lập ở địa phương rất lỏng lẻo, không quản lý được người đứng đầu để điều động thu gom rác trong dân. Nên quản lý thống nhất và đồng bộ từ khâu thu gom tại hộ dân, tập kết ra điểm hẹn, ra xe để vận chuyển đến bãi rác đúng giờ, thống nhất các phương tiện thu gom bằng thùng rác 660 lít, thay thế các phương tiện xe ba gác, xe tự chế... Điều này sẽ góp phần và khuyến khích người dân tham gia xã hội công tác rác và cải thiện hơn.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhìn tổng thể công tác thu gom, vận chuyển này rất chồng chéo, thiếu phối hợp, quản lý lỏng lẻo... không xứng tầm với một thành phố văn minh hiện đại. Nhiều đại biểu còn cho rằng không lẽ thành phố này chỉ biết tập trung thu gom và xử lý rác bằng việc chôn lấp vệ sinh, trong khi đó lại bỏ quên các dự án xử lý rác thành phân hữu cơ, tái chế seaphin, tái chế nhựa, sản xuất điện...

Do đó, đề xuất nên thành lập một tổng công ty vệ sinh môi trường cấp thành phố - một vai trò như “kiến trúc sư trưởng” trên lĩnh vực vệ sinh môi trường. Qua đó giúp cho công tác đầu tư hiệu quả hơn, giảm chi ngân sách, đảm bảo mỹ quan trong thu gom, vận chuyển rác cũng như vệ sinh môi trường.

Năm nhóm giải pháp chống ô nhiễm

Kết thúc buổi hội thảo, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TP kết luận: Muốn phát triển bền vững thì phải phát triển cả kinh tế, xã hội và môi trường. Các báo cáo chưa khái quát toàn cảnh bức tranh ô nhiễm hiện nay, đồng thời cũng chưa đánh giá hết tác hại, hậu quả của nó. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ năm nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, BLHS phải sửa theo hướng quy định chặt chẽ hơn nữa. Cạnh đó, xử phạt hành chính nặng hơn về môi trường. Thứ hai, thanh tra môi trường có quyền kiểm tra đột xuất doanh nghiệp nếu thấy vi phạm và có thể kiểm tra nhiều lần chứ không phải chỉ một lần. Thứ ba, lưu vực sông Đồng Nai liên quan đến 12 tỉnh, thành (trong đó có TP.HCM) nên cần phải giải quyết bài toán ô nhiễm liên vùng mới hiệu quả. Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước, thậm chí cúp điện, cúp nước... các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Thứ năm, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp ý thức bảo vệ môi trường.

Dự kiến HĐND TP sẽ mời chuyên gia khảo sát, đánh giá môi trường để kỳ họp cuối năm (dự kiến tổ chức đầu tháng 12) sẽ có một nghị quyết riêng (hoặc một phần trong nghị quyết chung) về môi trường” - bà Thảo khẳng định.

PHI NGUYỄN tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm