Mười quyền thiêng liêng của trẻ em

Nhân buổi này, UBND phường 10 (quận Tân Bình, TP.HCM) đã mời một chuyên viên của UBCSBM&TE thành phố đến nói chuyện về các quyền của trẻ em. Buổi nói chuyện rất thú vị và bổ ích...

Quyền trẻ em, phụ huynh không biết!?

Cũng tại buổi này, khi được hỏi trẻ em có bao nhiêu quyền, chẳng phụ huynh nào biết! Trong khi đó, một cháu bé khoảng sáu tuổi đưa tay cho biết: Trẻ em có 10 quyền cơ bản. Câu trả lời trên đã nhận được một tràng pháo tay của gần 300 phụ huynh. Như vậy, làm phụ huynh nếu không biết các quyền của trẻ em thì sẽ khó khăn trong cách giáo dục và chăm sóc trẻ.

Ngày 20-11-1989, Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước vào ngày 20-2-1990. Công ước là một văn bản pháp luật quốc tế nhằm bảo vệ trẻ em mà mọi người cần thực hiện. Khi một quốc gia ký và phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em thì chính phủ của quốc gia đó phải tuân thủ điều ước quốc tế đó để đạt được một số tiêu chuẩn cơ bản nhất định cho trẻ em.

Ai là trẻ em?

Trẻ em là tất cả những người dưới 16 tuổi theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam. Người chưa thành niên là những người dưới 18 tuổi. Nguyên tắc cơ bản là mọi trẻ em phải được hưởng quyền của mình dù là gái hay trai, giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay ốm đau, khuyết tật, đa số hay thiểu số, theo tôn giáo hay không theo tôn giáo...

Mười quyền thiêng liêng của trẻ

Pháp luật của Việt Nam quy định trẻ em có 10 quyền cơ bản sau đây:

1. Quyền được khai sinh. Đây là tấm thông hành để vào đời của trẻ. Do đó, các bậc làm cha mẹ và các UBND phường, xã phải có trách nhiệm làm giấy khai sinh cho trẻ. Luật còn quy định trong vòng 60 ngày phải làm giấy khai sinh cho trẻ, nếu không sẽ bị xử phạt.

2. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng. Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc... Không chỉ vậy, cha mẹ còn phải trang bị kiến thức về cách chăm sóc và kiến thức về dinh dưỡng để trẻ được phát triển tốt nhất.

3. Quyền được sống chung với cha mẹ. Nếu vì một lý do nào đó mà một trong hai người đang ở nơi khác, trẻ em có quyền được biết nơi ở và tình hình của cha, mẹ mình. Khi cha mẹ không sống với con mình, họ cần phải chu cấp cho các em một khoản tiền đảm bảo cho các em cuộc sống đầy đủ. Như vậy, bậc làm cha mẹ không thể phủi bỏ hay trốn tránh trách nhiệm trước quyền này của trẻ em.

4. Quyền được bảo vệ. Vì chưa đạt đến sự trưởng thành về mặt thể chất và trí tuệ, trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt trước cũng như sau khi ra đời. Cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ trẻ, không được xâm hại trẻ. Không nên để trẻ thường xuyên chứng kiến những hình ảnh bạo lực, xung đột trong gia đình, đặc biệt không được xâm hại tình dục trẻ em.

5. Quyền được học tập. Trẻ em phải nhận được sự giáo dục, được giúp đỡ để phát triển tốt về thể chất, trí tuệ để trở thành công dân có trách nhiệm và biết tôn trọng những quyền của người khác. Nghĩa vụ của thầy cô giáo là lên lớp và giảng dạy tốt, khi uốn nắn trẻ em không được làm tổn hại đến các em, không được xúc phạm trẻ em. Các bậc cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giám sát để đảm bảo điều này được thực hiện.

6. Quyền được vui chơi, giải trí, du lịch. Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí và tham gia vào bất kỳ hoạt động nào cần thiết cho sự hình thành và phát triển nhân cách, thể chất của các em. Trẻ em có quyền được sống và hưởng một môi trường lành mạnh và tự nhiên. Để có được điều này, người lớn phải có trách nhiệm hướng dẫn và giáo dục các em biết giữ gìn thiên nhiên, nguồn nước, bầu không khí, cây cối và các loài vật...

7. Quyền được phát triển năng khiếu. Đây là cách nhằm giúp quốc gia phát hiện nhân tài và phải tạo mọi điều kiện để trẻ phát triển hết khả năng tư duy, năng khiếu.

8. Quyền có tài sản. Khi trẻ chưa trưởng thành, tài sản của bé chính là tài sản của cha mẹ. Các bậc phụ huynh cần giáo dục trẻ ý thức và cách sử dụng những tài sản của trẻ.

9. Quyền được chăm sóc sức khỏe. Không ai được phép làm tổn hại đến trẻ em. Không ai được ngược đãi trẻ em về mặt thể chất bằng ngôn ngữ hoặc tình cảm, kể cả cha mẹ, thầy cô giáo hay những người chăm sóc trẻ. Ai xâm hại thể chất và tinh thần, làm tổn thương hoặc gây thương tích cho một bé trai hay gái là phạm tội. Trẻ dưới sáu tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay các bậc cha mẹ chỉ sử dụng quyền chữa bệnh là chính mà quên đi quyền được khám bệnh định kỳ.

10. Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia các hoạt động xã hội. Trẻ em có quyền được đọc sách báo, xem các chương trình truyền hình và nghe các chương trình phát thanh phù hợp với lứa tuổi của các em. Các bậc cha mẹ cần biết con cái mình đọc gì và xem gì để hướng dẫn các em tránh đọc và xem những điều làm cho các em sợ hãi, nhầm lẫn hoặc làm hại đến các em. Trẻ em cũng có quyền được tự do kết giao và tập hợp nhau theo những nhóm bạn cùng chung sở thích cũng như tổ chức những cuộc họp mang tính chất hòa bình. Trong tất cả mọi quyết định có ảnh hưởng đến trẻ em được đưa ra trong gia đình, trường học, tòa án, bệnh viện hay tại bất kỳ một cơ quan nào khác, người lớn cần lắng nghe ý kiến của trẻ em và làm những điều tốt nhất cho các em.

18001567 - đường dây nóng bảo vệ, cứu giúp trẻ em miễn phí

18001567 là số điện thoại miễn phí để tư vấn, trợ giúp trẻ em của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Ngoài cứu giúp trẻ gặp nạn, 18001567 còn là người bạn tâm tình của trẻ, gỡ rối tơ lòng và chia sẻ những thông tin, kiến thức mà các em cần (như sức khỏe, tâm sinh lý, quyền trẻ em...).

Số điện thoại 18001567 hoạt động bảy ngày trong tuần, từ 7 giờ đến 21 giờ. Các máy điện thoại ở tất cả tỉnh, thành đều có thể gọi trực tiếp mà không cần bấm mã vùng. Trẻ em và người lớn đều có thể gọi qua số này vì mục đích bảo vệ trẻ em từ việc tìm hiểu thông tin, nhờ tư vấn hay can thiệp. Đặc biệt, trong trường hợp khẩn cấp (trẻ có nguy cơ bị xâm hại thân thể hay tinh thần, bị bạo hành, tai nạn...) có thể gọi nhờ điện thoại của bất kỳ gia đình hay hàng quán nào gần đó với lời giải thích : “Dịch vụ miễn phí”.

PHI LÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm