Một ngày theo chân VWS đi trao quà từ thiện

Theo chân cán bộ lãnh đạo xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, cùng với đoàn từ thiện của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), chúng tôi đã đến thăm, trao quà cho một số gia đình khó khăn tại địa phương này.

Những cảnh đời nghèo khó

Con đường nhỏ hẹp, chiếc ô tô của đoàn không thể vào tận nhà của bà Đỗ Thị Loan thuộc tổ 4, ấp 3 nên chúng tôi xuống xe, mượn thêm mấy chiếc xe máy của cán bộ và anh em dân quân.

Những cơn mưa lớn khiến căn nhà bà Đỗ Thị Loan dường như trở thành ốc đảo.

Từ lộ chính, chúng tôi quẹo vào con đường đê khá dài, lởm chởm đất đá được chính quyền địa phương đắp mấy năm nay. Hai bên con đường là ruộng sâu chìm trong nước lũ trắng xóa, yếu tay lái rất dễ ngã. Chở tôi là chị Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Có lẽ đã quá quen với địa hình ở đây nên chị vẫn lái xe bon bon, lại trấn an tôi cứ yên tâm. Gửi xe ở nhà dân đầu hẻm, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ qua quãng đường đất, sình lầy, cây cối rậm rạp. Cũng vì những cơn mưa lớn hôm trước mà nhà bà Loan dường như trở thành ốc đảo bởi cái ao tù nước đọng vây quanh. Tìm được vài khúc cây mục, chúng tôi bắc tạm “chiếc cầu” để vào nhà.     

Chị Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch xã Tân Thành (trái), đại diện VWS trao quà cho bà Đỗ Thị Loan.

Sinh năm 1947, dáng người nhỏ nhắn, gầy còm, bà Loan sống một mình trong căn nhà tình thương được chính quyền xã cấp năm 2007, đến nay căn nhà xuống cấp trầm trọng. Không có đất canh tác, xung quanh nhà chỉ vài cọng càng cua, ngò gai mọc dại sau những cơn mưa rào. Tôi trộm nghĩ dẫu có thêm mảnh vườn thì người phụ nữ ấy đến nói còn phải lấy hơi để thở cũng vất vả lắm mới trồng được mớ rau ăn qua ngày. Rồi chân tay quanh năm lấm lem bùn đất, đường xá đi lại khó khăn, cuộc sống bất tiện, những lúc trái gió trở trời, ăn uống nấu nướng hàng ngày ra sao…

Chị Hà cho biết, bà Loan thuộc hộ nghèo neo đơn, không có đất canh tác, sống nhờ tiền trợ cấp của địa phương và sự giúp đỡ của bà con láng giềng. Khi chúng tôi hỏi về người thân, bà chỉ lên tấm ảnh trắng đen của người em gái trên bàn thờ. Ở tuổi 70, không gia đình, bà chỉ có đứa cháu hiện đang đi làm xa là chỗ dựa tinh thần. Cuộc sống tạm bợ là thế nhưng nơi thờ tự vẫn là vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chiếc chiếu manh trải trên nền đất, bà tĩnh tâm, thiền mỗi ngày. Càng tiếp xúc với bà, chúng tôi càng thấm dần với sự chân chất, mộc mạc của người miền Tây. Dẫu khó khăn nhưng họ vẫn có tinh thần lạc quan về cuộc sống. Lúc về, bà dẫn chúng tôi đi nhờ đường của mấy nhà hàng xóm bên cạnh. Họ cũng là những gia đình khó khăn sống nương tựa, bảo bọc lẫn nhau.

Rộng mở tấm lòng hảo tâm

Mọi khoản chi phí hàng ngày bà Lơn (thứ hai, từ trái qua) đều sống nhờ nhà hảo tâm và bà con xung quanh.

Tạm biệt bà Loan, chúng tôi đến với gia đình bà Nguyễn Thị Lơn, thuộc ấp 3, xã Tân Thành. Được xã thông báo có đoàn từ thiện đến thăm, đôi mắt bà ngấn lệ, chừng muốn khóc. Cũng là gia đình được cấp nhà tình thương, nay chỗ che nắng che mưa cũng trở nên cũ dần. Bên trong chỉ có chiếc giường, bàn gỗ ọp ẹp và bếp củi trong góc nhà. Đêm xuống, ánh sáng duy nhất trong nhà là bóng đèn điện to bằng ngón tay cái. Tấm giấy chúc mừng thượng thọ 80 tuổi mang tên Nguyễn Thị Lơn được lồng trong khung kính, đặt trang trọng trên bàn. 

Bà Lơn và người con trai tâm thần hàng ngày sống trong căn nhà tình thương nay đã xuống cấp.

Người ta thường nói giàu hay nghèo là do bản thân ta quyết định, điều đó đúng nhưng không phải trong mọi trường hợp. Bà Lơn có hai người con trai, một người không may gặp tai nạn giao thông qua đời, người còn lại tâm thần không ổn định, đi lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Vì vậy mọi khoản chi phí hàng ngày bà Lơn đều sống nhờ nhà hảo tâm và bà con xung quanh. Ấy là chưa kể căn bệnh tim, đau nhức chân tay hành hạ bà mỗi ngày.

Phần vì các hộ gia đình đều ở những nơi heo hút, thời gian di chuyển khá nhiều, phần vì chúng tôi muốn nhanh chóng đến các hộ khác nên không được ở lại lâu. Trời trưa nắng gắt, ai cũng thấm mệt và khát nước. Trở lại trụ sở Ủy ban xã nghỉ, đoàn lại tiếp tục lên đường, rẽ theo con đường khác, qua chuyến đò ngang để đến nhà chị Võ Thị Nuôi, sinh năm 1983, thuộc ấp 1, xã Tân Thành.

Nói về hoàn cảnh gia đình chị Nuôi, chị Hà tâm sự chị Nuôi làm nghề bán vé số, tinh thần không tỉnh táo nên bị người xấu lợi dụng rồi có thai. Hôm chúng tôi đến thăm, trao quà cho gia đình, chỉ có chị Nuôi ở nhà. Nhận được quà, hạnh phúc thể hiện rõ trong ánh mắt của người mẹ trẻ. Dẫu món quà chỉ là nhu yếu phẩm hàng ngày cùng chút khoản tiền nhỏ nhoi nhưng với chị, nó rất lớn. Bởi mỗi ngày khó khăn lắm chị mới bán hết được 100 tờ vé số để trang trải chi phí sống cho hai mẹ con. Chưa kể những ngày mưa dầm, đường sá lầy lội thì bán hết được bằng ấy vé số lại càng khó hơn.

Cùng chung tay giúp sức

Chị Hà cho biết xã Tân Thành có địa bàn tương đối rộng, thuộc vùng kinh tế mới, do đó điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 49 hộ nghèo, 47 hộ cận nghèo. Để giúp đỡ hộ nghèo, xã đã có nhiều kế hoạch nhằm thực hiện chăm lo như vận động toàn dân đóng góp quỹ người nghèo. Bên cạnh đó xã cũng thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, kêu gọi tổ chức cá nhân có điều kiện tham gia giúp hộ nghèo.

Qua đợt trao quà từ thiện lần này, Đảng bộ và chính quyền nhân dân xã cũng mong đón nhận sự quan tâm của tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân có điều kiện giúp đỡ cho các hộ nghèo trên địa bàn xã hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1945, ấp 3, xã Tân Thành) cũng là một trong những hộ thuộc diện khó khăn của xã.

Ngoài các gia đình trên, đoàn cũng đến thăm, trao quà cho một số hộ gia đình khác. Là nhà tài trợ chính cho đợt từ thiện lần này, đại diện Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), cho biết “Cũng như các doanh nghiệp khác, hoạt động trao quà từ thiện, hướng tới người nghèo là một trong rất nhiều chương trình cộng đồng VWS thực hiện trong nhiều năm qua. Tiếp xúc với từng gia đình, chúng tôi lại thấy rõ hoàn cảnh khó khăn của bà con, từng cái ôm, cái nắm tay nồng ấm như lời cảm ơn của họ càng thêm ấm lòng. Món quà dù không lớn nhưng hy vọng rằng sẽ phần nào hỗ trợ, tiếp thêm nghị lực để các gia đình có thêm điều kiện để trang trải chi phí hàng ngày. Qua đây, chúng tôi mong các mạnh thường quân hãy rộng tay hơn nữa giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, san sẻ vất vả với gia đình nghèo”.

Tập huấn phòng chống dịch bệnh cho 100 người dân

Một ngày theo chân VWS đi trao quà từ thiện ảnh 6
Người dân tích cực tham gia buổi tập huấn “Vệ sinh môi trường & phòng chống dịch bệnh trên người” do VWS tài trợ.

Sáng 28-10, đại diện UBND, Ủy ban MTTQ và hơn 100 người dân ở ba xã: Đa Phước, Phong Phú và Quy Đức (huyện Bình Chánh) đã đến Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước tham gia buổi tập huấn “Vệ sinh môi trường & phòng chống dịch bệnh trên người”. Đây là một hoạt động tuyên truyền định kỳ hàng năm, do VWS tài trợ, thường diễn ra vào mùa cao điểm (đầu hoặc cuối mùa mưa), đặc biệt là những lúc có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gia tăng sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Tại buổi tập huấn, TS.BS Lê Văn Nhân (nguyên PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) đã chia sẻ những nguy cơ, nhận diện và phương pháp phòng chống sốt xuất huyết. Thông qua các câu đố có thưởng, hỏi và trả lời về muỗi vằn và sốt xuất huyết, bệnh zika do muỗi vằn… người dân đã tích cực, hồ hởi tham gia và thu nạp được nhiều kiến thức hữu ích liên quan các dịch bệnh, đặc biệt là khả năng phòng ngừa sốt xuất huyết…

              

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm