Mẹo vặt bảo quản máy chụp ảnh KTS

Với máy ảnh kỹ thuật số (KTS), điều này là tối kỵ vì nó rất dễ bị hư bộ cảm biến và thậm chí là cháy màn hình... Đặc biệt, không nên bấm liên tục nhiều lần vì dễ gây hại cho màn hình và có thể bị “đen thui” bất cứ lúc nào.

Ẩm, kẻ thù thầm lặng!

Trong máy chụp ảnh KTS có nhiều thiết bị và linh kiện điện tử nên phải thường xuyên bảo quản thật chu đáo. Những nơi có độ ẩm cao không nên làm nơi cất giữ máy ảnh KTS. Khi dùng xong thì nên cho vào hộp chống ẩm. Bạn có thể mua hộp chống ẩm ở các tiệm trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay trong Thương xá Tax (TP.HCM). Các hộp này thường làm bằng nhựa trong và kín, bên trong có sẵn các gói thuốc chống ẩm. Nếu có rủng rỉnh chút tiền, bạn có thể mua tủ chứa máy ảnh có cắm điện sấy. Giá cho loại nhỏ nhất có giá hơn một triệu đồng/chiếc. Các tủ này do Trung Quốc sản xuất, có hiển thị độ ẩm nhiệt độ phòng và có nút chỉnh các chức năng. Theo kinh nghiệm của một số nhiếp ảnh gia thì tủ này có thể chỉnh độ ẩm bên trong để cất giữ máy. Họ thường để chừng 50% đến 55% cho mùa hè, 40% đến 45% với mùa đông. Nếu không có điều kiện mua tủ hoặc hộp, bạn có thể tự làm một hộp sấy cho chiếc máy của mình bằng các miếng giấy hoặc thùng carton cũ. Trong đó, bạn lắp một bóng đèn dây đốt loại nhỏ (tốt nhất là loại bóng đèn trái ớt hay dùng cho bàn thờ). Sau đó, bạn mua bột chống ẩm bán ở các tiệm, cho vào hộp đựng máy. Tuy nhiên, nên tham vấn thêm kinh nghiệm của nguời bán cách sử dụng loại bột chống ẩm này, cũng như thời gian “chong đèn làm ấm” cho máy.

Trong trường hợp máy ảnh của bạn vừa dính nước mưa, bạn có thể sấy chiếc máy ảnh yêu quý của mình bằng cách đặt lên trên màn hình máy vi tính đang dùng, trên tivi hoặc dùng máy sấy tóc với khoảng cách xa hai gang tay (không nên quá gần sẽ không tốt cho ống kính). Nếu sau một chuyến đi chơi về thì lại càng không nên cất máy ngay, nhất là cất ở những nơi có độ ẩm cao... Nên lưu ý, không nên cho máy ảnh vào tủ quần áo vì đây là nơi nhả hơi nước sẽ làm ẩm máy ảnh. Không chỉ vậy, ẩm và ướt cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất là tê liệt toàn bộ hệ thống điện của máy; pin hết, card không đọc...

Lau chùi ống kính, màn chập

Ống kính của bạn hay bị mờ, có vết vân tay hoặc bụi. Đừng lo lắng, bạn cứ chụp bình thường bởi không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hình ảnh. Khi rảnh tay bạn hãy lau. Cách tốt nhất bạn nên mua bộ giấy lau ống kính chuyên dụng tại các cửa hàng ảnh, gồm nước rửa, giấy lau, bình xịt bụi. Giá một bộ giấy (không có bột rơi ra khi lau), khăn và nước lau chuyên dùng kèm ống xịt bụi khoảng 100.000 đồng. Lưu ý, không được dùng ngón tay cọ quẹt trực tiếp vào ống kính hay màn chập.

Để quá trình lau ống kính không bị xước, trước hết bạn hãy bơm bụi thật mạnh bằng ống xịt. Sau đó nhỏ dầu lau, thoa đều trên mặt ống kính rồi từ từ se vài tờ giấy lau, di chuyển theo đường tròn từ trong ra ngoài nhiều lần cho đến khi khô. Thao tác cuối cùng là xịt bụi lần nữa. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng việc lau rửa ống kính này vì làm nhiều lần sẽ không tốt cho chất lượng ảnh.

Truyền dữ liệu?

Người sử dụng vẫn có thói quen truyền dữ liệu trực tiếp từ máy vào máy tính. Điều này có tốt hay không? Để đọc ảnh trên máy tính thường có hai cách: truyền qua dây dẫn từ máy ảnh đến máy tính hoặc rút thẻ nhớ ra cắm vào ổ đọc rồi kết nối với máy tính. Thật ra lựa chọn cách nào thì lại tùy thuộc vào loại card mà bạn đang sử dụng. Theo kinh nghiệm, với thẻ nhớ Compact Flash (CF) phổ biến, khi truyền ảnh ra máy tính bạn nên dùng dây cáp, hạn chế dùng ổ đọc card đối với loại này. Để nhận biết thẻ CF - là loại card có các lỗ cắm tiếp xúc các chân đồng cực nhỏ trong máy. Tuy nhiên, rút ra, cắm vào nhiều lần sẽ làm các “que” này mau bị cong vênh, thậm chí có thể gãy. Hoặc lắp không đúng sẽ làm cho nó bị xước, dẫn đến giảm độ bền.

Các loại thẻ khác như MS, SD, XD, MMC... thì truyền ra máy tính bằng cả hai cách trên đều tốt. Tuy nhiên, các thẻ này mỏng, dễ gãy, bạn nên nhẹ tay khi sử dụng. Lưu ý, bạn không nên để trong ví giắt túi quần sau vì nó rất dễ gãy.

PHI NGUYỄN giới thiệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm