Quý 1-2018 của Masan:

Lợi nhuận tăng ba lần, hàng tiêu dùng tăng hơn 78%

Ngành hàng thực phẩm và đồ uống của Masan bắt đầu tăng lên trong quý 1-2018.

Kết quả kinh doanh quý 1-2018 đã cho thấy sự thận trọng khi chúng ta xây dựng kế hoạch năm 2018. Masan Consumer, Masan Resources và Techcombank đều đạt được kết quả xuất sắc. “Khủng hoảng giá heo” dường như đã ở phía sau nhưng quan trọng hơn, chúng ta đã vượt hơn nửa chặng đường trong hành trình mang đến sản phẩm thịt có thương hiệu trong quý IV-2018” - ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Masan Group, chia sẻ.

Doanh thu thuần của Masan Group ổn định ở mức 8.274 tỉ đồng trong quý I-2018 so với cùng kỳ năm 2017 dù khủng hoảng giá heo kéo dài đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Masan Nutri-Science.

Masan Consumer Holdings và Masan Resources: Kinh doanh vượt trội

Doanh thu thuần của Masan Nutri-Science bị ảnh hưởng lớn trong quý I-2018 do giá heo hơi giảm sâu (cuộc khủng hoảng giá heo diễn ra từ quý II-2017). Tuy nhiên, Ban Điều hành kỳ vọng vào tăng trưởng trong nửa cuối năm 2018 do giá heo đã tăng trở lại lên 40.000 đồng/kg vào tháng 4-2018 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng.

EBITDA hợp nhất tăng trưởng 39,9% lên 2.606 tỉ đồng trong quý 1-2018 so với mức 1.863 tỉ đồng trong quý I-2017 do việc quản lý hiệu quả chi phí quản lý và bán hàng. Ngoài ra, mức tăng trưởng EBITDA cao nhờ vào tăng trưởng từ các lĩnh vực kinh doanh với biên lợi nhuận cao và Techcombank tiếp tục đạt tăng trưởng ấn tượng.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty tăng 3,4 lần trong quý I-2018 so với quý I-2017 lên mức 816 tỉ đồng và biên lợi nhuận thuần tăng lên 9,8% trong quý I-2018 từ mức 2,8% trong quý I-2017 chủ yếu nhờ vào việc vận hành hiệu quả và giảm chi phí tài chính thuần. Ngoài ra, công ty không có các thu nhập hay chi phí phát sinh một lần trong quý I-2018.

Các kết quả tài chính nổi bật trong quý I-2018

Masan Consumer Holdings (MCH) đạt tăng trưởng doanh thu thuần 78,3% và EBITDA 417,4% trong quý I-2018, chiến lược tập trung “bán hàng đến người tiêu dùng” bắt đầu mang lại kết quả.

Doanh thu thuần của MCH tăng trưởng 78,3% lên 3.586 tỉ đồng trong quý I-2018 so với mức 2.011 tỉ đồng trong quý I-2017. Tăng trưởng doanh thu thuần mạnh mẽ, một phần là do kết quả quý I-2017 tương đối thấp, một phần là tỉ lệ hàng bán đến người tiêu dùng, được tính bằng doanh thu từ các nhà phân phối của MCH đến các điểm bán lẻ (sell out), tăng 46,3% trong quý I-2018 so với quý I-2017. Điều này phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm và đồ uống của Masan bắt đầu tăng lên. Mức tăng trưởng này đến từ việc đầu tư trọng tâm vào marketing để xây dựng các thương hiệu mạnh, tạo ra thị hiếu tiêu dùng trong phân khúc cao cấp và áp dụng các phát kiến mới trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, đồng thời, lĩnh vực đồ uống và thịt chế biến cũng trên đà tăng trưởng tốt.

Doanh thu thuần của Masan Nutri-Science (MNS) giảm 40% vào quý I-2018 so với quý I-2017 do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo chưa thật sự sâu rộng cho đến giữa năm 2017. Giá heo hiện đã tăng lên mức 40.000 đồng/kg, mức giá cao đầu tiên sau khủng hoảng. Ban điều hành nhìn nhận mức giá này sẽ được duy trì do thiếu hụt nguồn cung heo. Với mức giá này, người nông dân sẽ có được lợi nhuận cao hơn và sẽ đầu tư trở lại. Sản lượng thức ăn cho heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại do người chăn nuôi bắt đầu cho heo ăn đầy đủ trở lại và chuyển sang mô hình chăn nuôi hiệu suất cao.

Trong bối cảnh giá heo hồi phục, sản phẩm Bio-zeem của MNS sẽ được lợi. Ban Điều hành kỳ vọng thị phần dòng sản phẩm cao cấp Bio-zeem “Đỏ” sẽ tăng trở lại do nông dân chuyển sang các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp với năng suất cao hơn. Trong khi đó, dòng sản phẩm Bio-zeem “Xanh” sẽ thúc đẩy nông dân chuyển đổi từ thức ăn chăn nuôi tự trộn và quay lại sử dụng các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiệu suất cao.

Doanh thu thuần của Masan Resources (MSR) tăng trưởng 26,5%, đạt 1.487 tỉ đồng trong quý I-2018 so với 1.176 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào giá vonfram tăng cao. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của MSR tăng 168,3% lên mức 117 tỉ đồng trong quý I-2018. Trong bối cảnh kiểm soát tài nguyên môi trường tại Trung Quốc và chính sách kiểm soát quota xuất khẩu kết hợp với nhu cầu cao hơn cho hóa chất và kim loại dùng cho công nghiệp, giá vonfram được cho là sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Ban Điều hành dự báo doanh thu tăng trưởng trên 30% và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của MSR sẽ đạt trong khoảng từ 600 tỉ đồng đến 1.000 tỉ đồng trong năm 2018.

Trong quý I-2018, MSR đã ký hợp đồng mua 300 tấn tinh quặng vonfram từ bên thứ ba cho nhà biến hóa chất giá trị gia tăng vonfram với công suất chế biến khoảng 9.000 tấn (trong đó 6.500 tấn được cung cấp từ mỏ Núi Pháo). MSR đặt mục tiêu tăng cường thu mua tinh quặng vonfram từ nhiều nguồn bên ngoài Núi Pháo để thỏa mãn nhu cầu tăng cao của thị trường. MSR sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội chiến lược nhằm tiếp tục chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram.

Techcombank (TCB) đạt lợi nhuận trước thuế 2.569 tỉ đồng trong quý I-2018, tăng gấp đôi so với mức 1.325 tỉ đồng trong quý 1-2017. Tỉ lệ an toàn vốn của TCB tăng lên 14,5% trong quý 1-2018 từ mức 12,7% trong quý I-2017. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, cổ đông của Techcombank đã thông qua kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế là 10.000 tỉ đồng, tăng 24,4% so với năm 2017. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm