Khó khăn trong xử lý hàng giả, hàng lậu

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM trong bốn tháng đầu năm 2014, cơ quan này đã kiểm tra 112 vụ, tạm giữ 263.295 sản phẩm của các mặt hàng nữ trang, dây lưng, kẹp tóc, túi xách, ví, bóp, kính mắt, mỹ phẩm, quần áo, thiết bị điện tử, gas, yến sào, bột ngọt, thuốc lá… giả các nhãn hiệu Chanel, Gucci, LV, Nike, Adidas, Viettien, Arirang, Ajinomoto, Saigon Petro, VT gas, Petrolimex… Số tiền xử lý phạt lên đến gần 2 tỉ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá 545 triệu đồng.

Hàng giả đa phần xuất phát từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, bao bì rời với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Phổ biến nhất vẫn là dùng hàng có chất lượng thấp hoặc nguyên liệu rẻ tiền pha trộn với hàng thật như rượu, bột ngọt, xi măng, phân bón. Sau đó, đóng gói vào bao bì in sẵn giả mạo các nhãn hiệu của những doanh nghiệp (DN) đã đăng ký bảo hộ. Có đối tượng còn chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả, kể cả các loại tem phản quang chống giả. Theo Chi cục QLTT, một số DN có đăng ký kinh doanh cũng sản xuất và buôn bán hàng giả. Địa bàn chủ yếu tập trung tại các quận 1, 5, 6, Tân Bình; tại các chợ bán sỉ như Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Tân Thành, Bình Tây, Tân Bình.

Cơ quan chức năng tiêu hủy thuốc lá lậu ở ĐBSCL. Ảnh: PHI NGUYỄN 

Trong quá trình kiểm tra, phát hiện hàng hóa nghi ngờ là hàng giả, Chi cục QLTT TP.HCM thường gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm chủ sở hữu hoặc đại diện sở hữu trí tuệ được ủy quyền hợp lệ để liên hệ về việc giám định hàng hóa. Điều đó cho thấy các DN Việt chưa có động thái tích cực trong việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi. Thậm chí phần lớn các DN bị xâm phạm quyền lợi vẫn chưa chủ động liên hệ. Ngoài ra, một lý do khác là một bộ phận người tiêu dùng lẫn người kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại, phòng, chống tệ nạn hàng giả, hàng nhái. Thậm chí nhiều người biết đó là hàng nhái nhưng vẫn tiêu dùng, sử dụng vì mức giá rẻ.

Hiện nay, xử phạt hành chính gần như là giải pháp ưu tiên được áp dụng. Tuy nhiên, biện pháp này thường có mức chế tài không đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, biện pháp dân sự là khởi kiện tại tòa án, ngoài yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, chủ sở hữu còn có thể đòi đối tượng xâm phạm bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho mình. Tuy nhiên, thực tế rất ít chủ thể áp dụng biện pháp này.

MINH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm