Hàng tỷ đồng của dự án phân loại chất thải rắn “trôi sông”

Dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn với mục tiêu tách riêng rác vô cơ (loại rắn khó phân hủy độc hại như: pin, bóng đèn, túi ni-lông...) và rác hữu cơ (thức ăn, hoa, bã trà...) ngay tại gia đình bằng việc cung cấp cho mỗi hộ hai loại thùng rác, túi riêng để phân biệt.

Tháng 3-2006, TP.HCM thí điểm triển khai thực hiện tại quận 6. Với 320-330 tấn rác một ngày tại quận này, nếu thực hiện thành công dự án có thể thu từ 120.000 đến 180.000 tấn phân compost từ rác hữu cơ, các loại chất thải còn lại được dùng tái chế với mức thu hơn 17,5 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ngay khi tiến hành với 9/14 phường ủng hộ, dự án liên tục gặp “sự cố”.

Phải mất rất nhiều thời gian cũng như công sức, Công ty Dịch vụ công ích quận 6 mới thuyết phục được người dân làm quen với việc tách riêng hai loại rác bỏ vào các thùng chuyên dụng, nhưng lực lượng thu gom rác dân lập vì không có phương tiện nên “thản nhiên” gộp chung lại làm một cho tiện.

Một nghịch lý nữa khiến việc phân loại chất thải trở nên vô nghĩa là hiện TP.HCM chưa có nhà máy sản xuất phân compost. “Chính do sự thiếu đồng bộ từ các khâu đã dẫn đến sự không hiệu quả do chỉ làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn mà không tiến hành đến nơi đến chốn các công tác tiếp theo” - ông Nguyễn Văn Tài, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phân tích.

Theo đại diện của Công ty Môi trường đô thị quận 6, dù dự án hiện vẫn đang duy trì, nhưng chỉ còn khả năng “sống” chủ yếu dưới hình thức tuyên truyền, người dân cũng bắt đầu mất dần sự tin tưởng nên công việc càng khó khăn hơn trước.

Nhận xét về vấn đề này, ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: “Số tiền gần sáu tỷ đồng đầu tư cho dự án dù không lãng phí hoàn toàn nhưng đã cho chúng ta một cơ hội học tập, đặc biệt chương trình đã gây được ý thức ban đầu cho người dân trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn”.

Trong cuộc họp góp ý về Chiến lược quốc gia về giảm thiểu, tái chế chất thải đến năm 2020 gần đây, ông Trần Văn Danh - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 6, đơn vị chủ đầu tư thừa nhận: “Hiện nay, tỷ lệ người dân còn ủng hộ việc tự phân loại rác ngay tại nhà chỉ còn đạt 20%, một vài nơi trọng điểm cao lắm cũng là 50%”.

Hiện, để dự án không “chết” hẳn, Công ty Dịch vụ công ích quận 6 đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã TP.HCM vay thêm 1,5 tỷ đồng mua các loại xe chuyên dụng để phân loại dễ dàng các loại rác gồm: 60 xe 800 lít và năm xe tải 990 kg - 1,2 tấn cho 136 người thu gom rác dân lập của toàn quận, đầu tư thêm trạm ép rác khép kín. Và số tiền khôi phục lại chương trình từ sáu tỷ đồng ban đầu được nâng lên thành... 19 tỷ đồng.

Cảnh báo nguy hại từ hóa chất sinh hoạt

Nhiều loại thuốc trừ sâu không thể loại bỏ ra khỏi cơ thể theo đường tiêu hóa mà tích lũy trong các mô mỡ và có liên quan đến các bệnh về suy giảm chức năng. Sơn, pin, chất tẩy rửa nhà tắm, dung môi, thuốc bảo vệ thực vật, dầu nhớt, dung môi pha loãng sơn, thuốc uống theo toa của bác sĩ... luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người nếu không được sử dụng, lưu trữ và thải bỏ đúng cách.

Những thành phần không sử dụng của các sản phẩm gia dụng nguy hiểm thường bị đổ xuống đất, dội xuống cống hoặc quăng vào thùng rác. Các hóa chất có thể làm độc đất, không khí và nước. Cuối cùng, chúng đi vào thực phẩm và nước cung cấp cho con người, thực vật và động vật. Do đó, các loại rác thải nguy hại từ sản phẩm gia dụng cần phải được thải bỏ một cách an toàn. Ngoài ra, các sản phẩm phải được tồn trữ an toàn, để ngoài tầm tay trẻ em và bất kỳ ai có thể bị ảnh hưởng xấu do nhầm lẫn trong cách sử dụng.

Thạc sĩ ĐỖ HOÀNG OANH

NSĐT (theo VnExpress.net)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm