Giãn tĩnh mạch chân, bệnh ngày càng phổ biến

Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì có thể gây hậu quả nặng nề hoặc biến chứng đe dọa cuộc sống.

Chứng giãn tĩnh mạch chân

Về nguyên tắc, tĩnh mạch là một hệ thống mạch máu của hệ tuần hoàn. Tĩnh mạch sẽ mang máu thiếu ôxy từ cơ quan và mô về tim. Khi đến phổi nó được tái nạp ôxy ở phổi. Trong khi đó, dòng máu trở về tim có xu hướng bị động (yếu hơn dòng máu từ tim đi) và tùy thuộc mức co bóp của các cơ ở tay và chân.

Buổi sáng, một hay cả hai chân bạn cảm thấy bình thường. Tuy nhiên, vào giấc nghỉ trưa hoặc cuối ngày, bạn có cảm giác chân tê tê như kiến bò, kiến cắn, nặng chân, có trường hợp bị tê buốt, đau nhức nếu vẫn tiếp tục đứng, giảm đau hơn nếu nằm nghỉ và gác chân lên cao. Trường hợp suy tĩnh mạch nông thì trên hai bắp chân có nhiều “gân xanh” nổi lên. Đó là những tĩnh mạch nông ở chi dưới bị giãn, phồng lên chằng chịt thành những búi màu xanh nổi cộm dưới da.

Bệnh giãn tĩnh mạch chân có liên quan đến yếu tố di truyền, nữ thường mắc nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố oestrogen và thai nghén (tử cung bị to ra, chèn ép lên thành tĩnh mạch). Bệnh cũng liên quan đến một số yếu tố khác: béo phì, ít hoạt động, nghề nghiệp thường phải đứng lâu, dùng giày không thích hợp, mặc quần áo quá chật, nóng...

Hiện nay có ba phương pháp điều trị. Phổ biến nhất là dùng băng ép nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu. Cách thứ hai là dùng các thuốc làm vững bền thành mạch như daflon, rutin C, veinamitol... hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ. Phương pháp thứ ba là phẫu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn.

Để hạn chế giãn tĩnh mạch chân, bạn cần lưu ý: mang vớ thun (vớ y khoa) hoặc một loại băng thun có tính đàn hồi nhằm ép tĩnh mạch nông, giúp cho tuần hoàn máu được tốt hơn; tránh những tư thế gây cản trở máu tĩnh mạch chân lưu thông như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân hoặc đi giày cao gót; khi nằm nên kê chân cao 10-15 cm; tập hít thở sâu và làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng cách tập thể dục; không nên đứng gần nơi có nhiệt độ cao như bếp than, củi cháy to...; không sưởi chân, ngâm chân vào nước nóng (nước lạnh làm co tĩnh mạch, nóng làm giãn tĩnh mạch); nếu bạn quá béo thì cần giảm trọng lượng; ăn các thực phẩm giàu vitamin, dùng nhiều chất xơ để tránh táo bón.

Bệnh suy tĩnh mạch nông

Bệnh suy tĩnh mạch nông (hay giãn tĩnh mạch) là tình trạng tĩnh mạch bị giãn ra, chạy ngoằn ngoèo như hình rắn bò ngay ở dưới da. Bệnh thường thấy ở phụ nữ và hơn một nửa bệnh nhân có tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch. Khi không phải do huyết khối, phần lớn giãn tĩnh mạch là do bất thường của thành tĩnh mạch hoặc của van trong tĩnh mạch. Các van trong tĩnh mạch giúp cho dòng máu có thể chảy ngược được về tim. Những người béo phì, phụ nữ có thai, đứng quá lâu, hay làm việc ít di chuyển có thể làm gia tăng tình trạng giãn tĩnh mạch.

Thường thì giãn tĩnh mạch không có triệu chứng, tuy nhiên một số bệnh nhân có thể thấy cảm giác nóng, rát, đau. Các triệu chứng này xuất hiện rõ hơn và nặng hơn vào ban ngày lúc bệnh nhân đứng nhiều. Có thể nhưng hiếm, nếu không được chăm sóc tốt giãn tĩnh mạch có thể gây loét da, nhiễm khuẩn da, huyết khối tĩnh mạch và chảy máu thứ phát.

Điều trị giãn tĩnh mạch là tập thể dục, giảm cân và đi vớ y khoa. Sau khi rửa mặt vào buổi sáng, bệnh nhân nên trở lại giường để chân cao lên vài phút, sau đó mang vớ y khoa vào. Tối khi nằm ngủ, bạn nên để chân lên cao hơn so với đầu. Việc này được duy trì liên tục, dài lâu đến suốt đời.

Vớ y khoa có tác dụng tạo một áp lực nhất định đã được nhà sản xuất tính toán trước cho từng loại vớ (class 1, 2, 3, 4) lên tĩnh mạch chân, phục hồi sự khép kín của các van tĩnh mạch, do đó phục hồi sự lưu thông máu một chiều như bình thường, giải quyết tình trạng ứ đọng máu ở phần thấp của chân. Ngoài ra, vớ y khoa còn tạo ra độ dốc áp lực làm tăng tốc độ tuần hoàn máu, giảm thiểu nguy cơ hình thành huyết khối do tốc độ dòng máu chảy chậm gây ra. Vớ y khoa tốt phải tạo được độ dốc áp lực thì mới có tác dụng điều trị bệnh suy tĩnh mạch. Độ dốc áp lực là áp lực ép lên tĩnh mạch giảm dần một cách đều đặn dọc theo chiều dài chân, từ cổ chân (áp lực 100%) đến đùi (áp lực 40%).

Tác dụng làm khép van và tạo độ dốc áp lực là hai đặc tính quan trọng nhất của vớ y khoa mà bất kỳ một loại thuốc nào cũng không thể thay thế được. Nếu bỏ qua yếu tố này thì kết quả điều trị rất kém, dù có uống thuốc lâu dài. Điều này rất dễ kiểm chứng với bệnh nhân của bác sĩ, những người đã từng uống thuốc lâu dài từ năm này qua năm nọ. Giá vớ trung bình hiện nay khoảng 550.000 đồng (vớ gối), 880.000 đồng (vớ đùi)... tùy hiệu.

BS HẠNH PHAN (Viện Tim TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm