Đóng phí trễ hạn, có được chi trả quyền lợi bảo hiểm?

Nhiều khách hàng không đóng phí khi đến hạn nên phải chịu thiệt thòi. Nếu đóng phí trễ hạn và xảy ra sự cố BH, khách hàng có được chi trả quyền lợi BH không? Mời độc giả theo dõi câu chuyện sau.

Tai nạn bất ngờ

Anh Lê Văn Thành ở ĐT làm lái xe tải đường dài sang Campuchia. Công việc làm ăn khá tốt nhưng đường xa xứ lạ, có nhiều rủi ro. Phòng tai nạn bất ngờ, anh quyết định mua một HĐBH nhân thọ để vợ con ở nhà được hưởng một số tiền BH.

Ngày 14-3-2008, anh Thành ký HĐBH với Công ty BH X (gọi tắt là công ty). Theo hợp đồng, nếu chẳng may anh Thành (người mua BH và cũng là người được BH) qua đời thì chị Tư (vợ anh Thành) sẽ được công ty trả 100 triệu đồng tiền BH. Nếu anh Thành qua đời vì tai nạn thì ngoài 100 triệu đồng tiền BH chính, chị Tư còn được trả thêm 100 triệu đồng cho sản phẩm bổ trợ “Chết và tàn tật do tai nạn”.

Anh Thành chọn nộp phí BH định kỳ ba tháng/lần. Ngày 18-3-2008, anh nộp 2,5 triệu đồng kỳ phí BH đầu tiên. Công ty cấp cho anh giấy chứng nhận BH nhân thọ có hiệu lực từ ngày 14-3-2008.

Đến ngày đóng phí BH kỳ hai (ngày 14-6-2008), anh Thành nghĩ rằng đợi đến khi công ty cho gia hạn thêm 60 ngày rồi đóng cũng được. Vì vậy, anh dùng số tiền này mua thêm một HĐBH nữa cho vợ đứng tên.

Ngày 15-6-2008, công ty gửi thư nhắc anh Thành đã quá thời hạn đóng phí BH. Để tạo điều kiện cho anh duy trì HĐ, công ty gia hạn thêm 60 ngày, tức đến ngày 14-8-2008. Nếu quá ngày này mà anh không đóng phí thì HĐ sẽ chấm dứt hiệu lực. Công việc dồn dập, anh Thành quên cả ngày tháng. Hết ngày gia hạn (ngày 14-8-2008), anh Thành vẫn chưa đóng phí. Chẳng may ba ngày sau (ngày 17-8-2008), anh Thành qua đời.

Là người hưởng quyền lợi BH, chị Tư gửi hồ sơ yêu cầu công ty trả 200 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty đã từ chối giải quyết quyền lợi BH. Bởi lẽ anh Thành không đóng phí kỳ hai đúng hạn nên HĐBH đã mất hiệu lực từ ngày 14-8-2008 (ba ngày trước khi anh Thành qua đời). Ngày 6-4-2009, chị Tư nộp đơn khởi kiện công ty ra TAND thị xã S.

Sơ thẩm: Được hưởng BH

Chị Tư yêu cầu công ty trả 100 triệu đồng tiền BH cho sản phẩm chính, 100 triệu đồng cho sản phẩm bổ trợ, cùng 63 triệu đồng tiền lãi. Tại cấp sơ thẩm, nhân chứng Sáu Sơn (là đại lý BH cho công ty), là người tư vấn và làm thủ tục HĐBH cho anh Thành. Chị Sáu Sơn đã thỏa thuận thu phí trực tiếp tại nhà anh Thành và đã thu phí đợt đầu tiên tại nhà anh. Đến hạn thu phí kỳ hai (ngày 14-8-2008), chị phải đi học chính trị trên thành phố nên không thể đến nhà anh Thành để thu phí được.

Trong quyển “Thông tin khách hàng cần biết” của BH do chị Sáu Sơn cung cấp có ghi: “Công ty sẽ tổ chức thu phí tại nhà cho những trường hợp khách hàng cùng một địa chỉ mua từ hai HĐBH trở lên”. Anh Thành đã mua hai HĐBH nên công ty phải có trách nhiệm thu phí tại nhà.

Theo cấp sơ thẩm, anh Thành không có lỗi khi không đóng phí kỳ hai đúng hạn. Lỗi là do công ty không cử người đến thu phí. Vì vậy, công ty phải trả cho chị Tư 200 triệu đồng tiền BH cùng 63 triệu đồng tiền lãi.

Phúc thẩm: Không được hưởng BH

Không đồng ý bản án sơ thẩm, công ty nộp đơn kháng cáo lên TAND tỉnh ĐT. Qua tranh luận và đối chiếu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, cấp phúc thẩm nhận định:

- HĐBH ghi bên mua BH (anh Thành) có trách nhiệm đóng phí BH khi đến hạn, ngay cả khi không được thư báo của công ty nhắc thời điểm nộp phí. Sau 60 ngày gia hạn, nếu bên mua BH không nộp phí BH, HĐBH sẽ tự động chấm dứt hiệu lực.

- Giữa chị Sáu Sơn và công ty có ký hợp đồng đại lý. Hợp đồng ghi rõ: Đại lý chỉ có trách nhiệm thu phí lần đầu khi khách hàng ký hợp đồng mua BH. Nếu đại lý muốn thỏa thuận thu phí tại nhà khách hàng trong các kỳ tiếp theo, đại lý phải đăng ký với công ty và được công ty chấp thuận bằng văn bản.

Chị Sáu Sơn xác nhận có thỏa thuận thu phí tại nhà anh Thành. Thế nhưng chị không có chứng cứ chứng minh đã đăng ký thu phí tại nhà khách hàng như quy định vừa nêu.

Cấp phúc thẩm đã quyết định sửa án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu của chị Tư bởi anh Thành có lỗi khi không nộp phí đúng hạn, dẫn đến việc HĐBH đã chấm dứt hiệu lực trước khi xảy ra sự kiện BH (anh Thành qua đời). Vì vậy, chị Tư không có cơ sở đòi công ty trả 200 triệu đồng tiền BH cùng 63 triệu đồng tiền lãi. Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Tóm lại, HĐBH nhân thọ là hợp đồng dân sự, mỗi bên đều có nghĩa vụ với nhau. Bên mua BH phải đóng phí BH đầy đủ và đúng hạn thì công ty BH mới chi trả quyền lợi BH đầy đủ khi xảy ra sự kiện BH.

LS ĐẶNG NGỌC CHÂU

Đón đọc bài Giải quyết quyền lợi bảo hiểm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm