Đối mặt với sự đe dọa nước biển dâng

Ngày Môi trường thế giới là một trong những sự kiện quốc tế trọng điểm diễn ra hằng năm do đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sáng lập vào năm 1972. Mỗi năm sẽ có một chủ đề để các quốc gia cùng chung hướng thực hiện. Chủ đề năm nay là Hãy hành động để ngăn nước biển dâng.

Thách thức từ thiên nhiên

Trong thông điệp của mình, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết Ngày Môi trường thế giới năm 2014 rơi vào năm quốc tế của những hòn đảo đang phát triển. Những quốc đảo nhỏ là căn nhà chung của 63 triệu người. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời, văn hóa sôi động và nền âm nhạc được nhân loại đánh giá cao. Tuy diện tích nhỏ nhưng họ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đại dương với nhiều điểm nóng về đa dạng sinh học. Mặc dù sở hữu những tài sản quý giá như vậy song những quốc đảo ấy lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt đối với năng lượng; giới hạn và khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp du lịch. Song song đó, nhiều người ngày càng dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), với sự tàn phá của những cơn bão, mối đe dọa mực nước biển dâng.

Thiên nhiên sẽ trở nên hiền hòa hơn nếu chúng ta biết bảo vệ nó. Ảnh: NGỌC CHÂU

“Năm 2011, tôi đi du lịch đến Kiribati, một đảo quốc thuộc vùng trũng Thái Bình Dương. Nơi đó, một cậu bé đã chia sẻ với tôi những lo sợ của em về việc có thể bị chết đuối do nước biển dâng khi ngủ vào ban đêm. Điều này nghe rất xúc động, mốc cao nhất ở Kiribati chỉ 2 m trên mực nước biển. Đất nước này nằm trong số quốc gia dễ bị tổn thương nhất với tình trạng nước biển dâng và xói mòn bờ biển. Những nơi khác phải đối mặt tương tự vậy, nếu nước biển dâng 1 m sẽ làm cho Maldives biến mất hoàn toàn dưới nước, trong khi mực nước chỉ dâng 50 cm sẽ dẫn đến Grenada mất 60% diện tích bãi biển” - ông Ban Ki-moon chia sẻ.

Nhìn lại câu chuyện của chính mình

Từ câu chuyện của những quốc đảo, chúng ta cần nhận thức sự quan trọng trong việc xây dựng thế giới dựa trên con đường phát triển bền vững. Việc này đòi hỏi sự kết hợp của tất cả lĩnh vực xã hội ở mọi quốc gia. Vị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (*) ra lời kêu gọi: “Vào Ngày Môi trường thế giới, hàng triệu cá nhân, nhóm cộng đồng và doanh nghiệp từ khắp nơi sẽ tham gia vào các dự án tại địa phương, từ việc làm sạch môi trường, tổ chức chiến dịch, vận động, triển lãm nghệ thuật đến phát động các đợt trồng cây. Năm nay, tôi kêu gọi mọi người hãy nghĩ về hoàn cảnh khó khăn của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và lấy cảm hứng từ những nỗ lực của họ để giải quyết vấn đề BĐKH, tăng cường khả năng phục hồi và hành động cho một tương lai bền vững. Mọi người hãy nâng cao tiếng nói của mình, hãy cùng nhau tham gia vào những lực lượng để bảo vệ Trái đất”.

Đó là những vấn đề mà cả thế giới ra sức kêu gọi mọi người chung tay thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn lại tình trạng thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Nước ta được xác định là một trong những nước chịu tác hại nặng nề của BĐKH. Hằng năm, thiên tai, bão lũ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Trước đây, chúng tôi đã đề cập một vài số liệu thống kê tại TP.HCM cho thấy có khoảng 154 xã, phường hiện đang trong tình trạng thường xuyên ngập úng. Theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) dự báo, đến năm 2050 con số này lên đến 177, chiếm 61% diện tích TP. Song song đó, những đợt không khí lạnh tăng cường hay những kỳ nắng nóng oi bức kéo dài là một vài trong hàng loạt hậu quả chúng ta phải gánh chịu từ BĐKH. Trong một dự báo từ năm 2009, đối với khu vực TP.HCM, nếu mực nước dâng thêm 75 cm sẽ có khoảng 204 km2 bị ngập, chiếm 10% tổng diện tích. Khi nước biển dâng 100 cm có khoảng 472 km2 bị ngập. Đối chiếu với con số thống kê tại TP vào cuối tháng 11-2009, triều cường đạt mức đỉnh trong vòng 50 năm qua là 1,57 m đo tại kênh Đồng Điền, Nhà Bè. Từ những thông tin này, chắc chắn mọi người có thể vẽ nên một bức tranh u ám cho tương lai của mình. Do vậy, bạn đừng ngần ngại mà hãy nhanh chóng thay đổi lối sống của mình, hướng đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.

NGỌC CHÂU

(*) Bài viết có sử dụng một số thông tin từ nguồn: www.undp.org (World Environment Day - Ngày Môi trường thế giới của chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Trung tâm Thông tin Liên Hiệp Quốc (UNIC) tại Canberra: un.org.au)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm