Đấu thầu dự án xử lý rác: Công khai, sòng phẳng

Đi cùng với lịch sử phát triển đô thị, các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt dần được hình thành để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải. Thế nhưng trải qua rất nhiều năm, chúng dần bộc lộ nhiều nhược điểm. Dù được áp dụng công nghệ hiện đại nào đi chăng nữa, bãi chôn lấp rác cũng là mối nguy cơ tiềm tàng đe dọa sức khỏe con người và môi trường. Điều đó thể hiện từ việc phát thải khí độc nguy hiểm đến quá trình phân hủy sinh học của tổng thể nhiều loại rác khác nhau. Đặc biệt là lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác.

Doanh nghiệp dư sức làm

Quầy giới thiệu dịch vụ của nhà đầu tư được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: N.CHÂU

Tại hội nghị chuyên đề Kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt-phát điện do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết TP đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỉ lệ chôn lấp giảm còn 50% và đến năm 2025, chỉ còn áp dụng 20% công nghệ chôn lấp. Năm bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận CTRSH là BCL Phước Hiệp số 1, Phước Hiệp số 1A, bãi chôn lấp số 2, Gò Cát, Đông Thạnh. TP cũng yêu cầu triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận, khuyến khích xã hội hóa việc tái chế, sản xuất điện năng, ưu tiên giải pháp sử dụng các bãi chôn lấp đã đóng bãi phục vụ lợi ích cộng đồng.

Đi cùng với sự phát triển của TP hiện đại, chúng ta cần áp dụng giải pháp xử lý rác theo công nghệ tiên tiến hơn, do vậy hội nghị cũng là dịp để các nhà đầu tư có thêm thông tin, nắm bắt cơ hội thể hiện khả năng, trình độ của mình.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP bày tỏ mong muốn của TP là những nhà máy vừa xử lý rác, vừa tạo ra năng lượng. Để làm được điều này, TP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đấu thầu công khai, minh bạch với chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, thông tin hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải phát điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do một số ưu điểm nổi bật như giảm được 90%-95% thể tích, khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi so với phương pháp chôn lấp, giảm phát thải khí nhà kính... Đây cũng là giải pháp chúng ta đang hướng tới và năng lực của các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Công khai, minh bạch

Tại hội nghị, TP đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư được nêu ra như miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ giá mua, bán điện; hỗ trợ toàn bộ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu... Đặc biệt hội nghị đã giúp giải tỏa sự lo lắng, băn khoăn của nhà đầu tư là sự công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, bày tỏ ai cũng nói hay nói tốt là chuyện bình thường nhưng sự hay sự tốt ấy phải được thử thách trên thực tế, để không xảy ra tình trạng doanh nghiệp lấy được giấy phép rồi làm việc ì ạch. Ông nói sắp tới chúng ta đặt ra tiêu chí cụ thể để đảm bảo sự công bằng cho các công nghệ với nhau, thậm chí mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài. Điều này càng giúp các nhà đầu tư trong nước biết ngưỡng để phấn đấu. Mỗi công nghệ đều có cái hay và hạn chế nhất định nhưng nếu nhà đầu tư tự tin công nghệ của mình, hãy vận hành thử từ 3-6 tháng với công suất là 1.000-2.000 tấn. Khi các cơ quan quản lý đo kiểm theo đúng cam kết trong hợp đồng thì lúc ấy ký hợp đồng dài hạn. Thậm chí doanh nghiệp đầu tư vài ngàn tỉ nhưng nếu không đạt, chúng ta vẫn phải trao cơ hội cho công nghệ khác phù hợp hơn. Theo ông, đó là cách làm văn minh, sòng phẳng, minh bạch.

TP.HCM ngày càng phát triển và sự chung sức của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Việc tổ chức hội nghị là động thái đúng đắn, kịp thời và được sự hoan nghênh của đông đảo các nhà đầu tư để họ tự tin thể hiện bản lĩnh của mình.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm