Có nên gửi con đi du học sớm?

Du học đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách cho du học sinh. Các trường hợp không theo học nổi phải bỏ dở giữa chừng hay tệ hơn, bị trầm cảm hoặc các bệnh về tâm lý đã không còn hiếm gặp. Thông thường sẽ có các nhóm tuổi đi du học gồm: 15-16 tuổi (trung học), 17-19 tuổi (ĐH) và 20-22 tuổi (chuyển tiếp ĐH).

Nhóm tuổi đầu tiên 15-16 tuổi. Tuổi này còn khá trẻ và còn chưa hoàn thiện về tâm sinh lý. Phải sống xa gia đình và tự lo về mọi mặt trong cuộc sống là hết sức khó khăn đối với các em. Bên cạnh đó, nếu mọi việc thuận lợi, nghĩa là các em tốt nghiệp THPT và tiếp tục học ĐH, các em sẽ sống xa gia đình ít nhất 7-8 năm khi còn rất bé. Điều này có thể gây nên khoảng cách giữa các em và các thành viên trong gia đình.

Theo TS Mai Ngọc Luông, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM, đi du học ở độ tuổi 15-16 được cho là có thể nhưng ông cũng khuyến nghị: “Nếu đi quá sớm sẽ sốc về tâm lý vì xa gia đình. Nếu có khắc phục được thì khoảng cách cũng rất cách biệt, việc tái hòa nhập sẽ khó khăn rất nhiều”. GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa du lịch, so sánh quyết định cho con đi học sớm giống như việc “đem cây non ra trước bão”, các em chưa thể hình dung chuyện đi du học và tự mình tồn tại ở môi trường mới.

 
Hình thức học hai năm ở Việt Nam và hai năm du học ở nước ngoài giúp tiết kiệm chi phí. Ảnh minh họa: YT

Vì vậy, cần thận trọng và nên cho con đi du học ở độ tuổi này ở một nước gần Việt Nam, chẳng hạn như Singapore, để có điều kiện thường xuyên qua lại quan tâm hoặc nếu du học ở một nước xa hơn thì nên có họ hàng, người thân quen ở đó.

Độ tuổi thứ hai 17-19 tuổi, có thể coi là tuổi trưởng thành hơn so với độ tuổi thứ nhất. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên chủ quan. Sự khác biệt về ngôn ngữ và phương pháp học sẽ khiến nhiều du học sinh bị sốc trong giai đoạn đầu. Các giảng viên sẽ chỉ tập trung phân tích những vấn đề cốt lõi và du học sinh thường được yêu cầu tự đọc ở nhà trước khi lên lớp. Khối lượng tài liệu cần đọc có thể lên tới hàng trăm trang. Do vậy, cần xác định rõ mục tiêu, chuẩn bị tâm lý và rèn luyện các kỹ năng ngoại ngữ.

Nhóm độ tuổi thứ ba, 20-22 tuổi. Ở độ tuổi này các em sẽ du học theo hình thức chuyển tiếp, nghĩa là học hai năm đầu tại phân hiệu của các trường quốc tế ở Việt Nam và hai năm cuối ở nước ngoài để lấy bằng cử nhân, hay còn gọi tắt là hình thức “2+2”. Hình thức này có ưu điểm là giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng chương trình học, có hai năm để làm quen với phương pháp học tập mới, cải thiện ngoại ngữ trước khi đi học.

Tuy nhiên, không phải chương trình liên kết theo hình thức “2+2” nào cũng được kiểm định. Ở Việt Nam hiện nay có ba trường được kiểm định bởi Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ miền Nam Hoa Kỳ (SACS), gồm: ĐH Houston, ĐH Broward và ĐH Troy.

Trong ba trường này, ĐH Broward được xếp hạng một trong 10 trường ĐH cộng đồng tốt nhất nước Mỹ 2013 bởi tổ chức giáo dục Aspen có trụ sở tại Washington, D.C. Lý do là có ưu điểm về tiết kiệm chi phí và đầu vào mở. Trong những năm gần đây các trường ĐH cộng đồng (community college) ở Mỹ là điểm đến ưa thích của du học sinh Việt Nam. Theo báo cáo của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), số sinh viên Việt Nam tại các trường CĐ ở Mỹ năm học 2012-2013 đạt xấp xỉ 6.900 sinh viên, chiếm 60% tổng số sinh viên Việt Nam theo học ĐH ở Mỹ và xếp thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 7,9%.

Mỗi độ tuổi du học đều có những ưu và nhược điểm. Các gia đình cần cân nhắc đến những đặc điểm cụ thể của con em cũng như kinh tế gia đình khi cho con em đi du học. Qua đó, giúp tránh được những kết quả không mong đợi và tối ưu hóa lợi ích của việc du học.

PHÚC NGUYỄN (MBA, Shidler College of Business,
University of Hawai at Manoa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm