Chắp cánh cho Ngũ Hành Sơn bay cao

Theo đồ án xây dựng Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, khu danh thắng này sẽ được quy hoạch thành công viên văn hóa mang tính tâm linh - làng nghề truyền thống - bảo tàng và khai thác du lịch. Song song đó sẽ bố trí lại các khu dân cư, xây dựng các tuyến giao thông thủy bộ để bảo đảm cảnh quan môi trường lâu dài cho toàn khu vực... Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã giao các ban ngành liên quan lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000.

Nhiều ngôi chùa trong quần thể danh thắng này vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, lịch sử quý giá... Làng nghề điêu khắc đá Ngũ Hành Sơn có bề dày bốn thế kỷ với nhiều nghệ nhân tên tuổi và những tác phẩm chế tác từ đá đã trở thành một “đặc sản” của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế... Tuy nhiên, trong một thời gian dài do chiến tranh cũng như những hạn chế trong công tác quản lý mà giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, việc hình thành đồ án sẽ giúp khai thác tối đa những điểm mạnh của danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Theo phương án quy hoạch, khu công viên văn hóa có diện tích khoảng 139 ha, kinh phí xây dựng là 2.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ có khả năng đón tiếp 3.000 khách/ngày (một triệu khách/năm); dân số tại khu vực này là hơn 1.600 hộ (6.200 người), diện tích cư trú 191 m2/hộ và 1.500 cơ sở buôn bán đá mỹ nghệ và dịch vụ du lịch, giải trí. Ở giữa ba khu làng đá mỹ nghệ sẽ có tuyến đường du lịch làng nghề cùng các hạng mục như khu hành chính, vườn tượng, nhà thờ tổ nghề đá và các cơ sở phúc lợi...

Theo Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, khu công viên văn hóa sẽ bao trùm cả khu danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn và một số vùng phụ cận. Điểm nhấn của dự án vẫn xoay quanh năm ngọn núi Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, được ví như hòn non bộ giữa lòng Đà Nẵng. Trong đó, không gian khu Thủy Sơn được tổ chức theo chủ đề “Văn hóa nước” kết nối giữa các tuyến kênh đào với sông Cổ Cò bằng tuyến giao thông ven sông để tạo cảnh quan chung và một khu vườn tượng ở phía bắc chân núi này. Ngọn Thổ Sơn được dành xây dựng một bảo tàng điêu khắc đá. Hai ngọn Kim Sơn và Hỏa Sơn dành cho lễ hội Quan Thế Âm, trong đó có mở rộng không gian nhằm thu hút du khách đến lễ bái. Mộc Sơn là nơi tụ hội của các loài thảo mộc quý. Bảo tàng nghề đá Non Nước được xây dựng trên diện tích 7,3 ha theo dạng hang động sẽ là công trình hoàn toàn mới và là điểm nhấn quan trọng để trưng bày các tác phẩm, tổ chức sự kiện liên quan đến giao lưu văn hóa, triển lãm và trao đổi mua bán các tác phẩm từ chất liệu đá...

PGS-TS-KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, chủ nhiệm đề án quy hoạch, cho biết: Ngũ Hành Sơn với một bề dày lịch sử và thể hiện các yếu tố âm - dương, ngũ hành là một thắng cảnh mang tính hội tụ văn hóa Á Đông có giá trị mang tầm quốc gia... Do vậy, xây dựng nó thành một công viên văn hóa với “tổ chức không gian trên ý niệm về sự hình thành vũ trụ theo quan niệm phương Đông, kiến tạo không gian lễ hội văn hóa mang thông điệp truyền thuyết và lịch sử hướng đến những giá trị thời đại” là hết sức đúng đắn và cần thiết.

Được biết, vào năm 2006, nữ sinh viên Phạm Thị Bích Ngọc (lớp 01 KT, khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã đạt điểm 10 với sự khen ngợi của nhiều giáo sư với đồ án tốt nghiệp “Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn”. Đồ án tốt nghiệp này cũng đã được trình lên lãnh đạo TP Đà Nẵng nghiên cứu. Có ý kiến cho rằng đồ án quy hoạch của Đại học Kiến trúc TP.HCM xuất phát từ ý tưởng trong đề tài tốt nghiệp của Phạm Thị Bích Ngọc. Tuy nhiên, dù điều đó đúng hay không cũng không quan trọng vì nó cho thấy rằng không chỉ có các nhà nghiên cứu mà ngay thế hệ trẻ hôm nay cũng rất quan tâm và luôn muốn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong một lần trả lời báo giới, cô sinh viên người Đà Nẵng này tâm sự rằng sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, từ nhỏ Ngọc đã rất thích Ngũ Hành Sơn. Mỗi khi rảnh rỗi là Ngọc lại đạp xe đi vòng toàn bộ khu danh thắng Ngũ Hành Sơn để cảm nhận được vẻ đẹp không đâu có được của khu danh thắng này. Và từ những kỷ niệm thuở thiếu thời đó mà sau này khi lựa chọn đồ án tốt nghiệp, Ngọc đã nghĩ ngay đến Ngũ Hành Sơn. Cô gái trẻ thường vai mang túi xách, tay cầm máy ảnh lang thang từ làng đá Non Nước đến chùa Quan Thế Âm, từ động Âm phủ đến ngọn Kim Sơn... với vẻ mặt đăm chiêu, thỉnh thoảng lúi húi ghi chép để hiện thực hóa ước mơ “làm gì đó cho Ngũ Hành Sơn” của mình.

Để có thể chọn đề tài tốt nghiệp Ngũ Hành Sơn, ngoài niềm đam mê và tình yêu quê hương tha thiết, Ngọc còn là người hiểu biết về thuyết âm - dương, ngũ hành. “Em đã đọc cuốn này nhiều lần, ứng vào địa danh Ngũ Hành Sơn, em thấy có điều gì đó thật kỳ lạ, cả về lịch sử, địa lý lẫn tâm linh. Đó là sự trùng khớp không giải thích được” - Ngọc đã nói vậy khi chỉ vào cuốn Kinh dịch trên tay mình.

Không chỉ những nhà lập đồ án quy hoạch khu công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn hay Bích Ngọc mà tất cả chúng ta - những người yêu mến Đà Nẵng rất mong mỏi một ngày không xa Ngũ Hành Sơn sẽ trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút du khách bởi yếu tố tâm linh, gồm văn hóa lịch sử, dịch học phương Đông, kiến trúc cảnh quan, con người Việt Nam...

NGỌC DUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm