Bảo tồn đa dạng sinh học từ ý thức cộng đồng

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với các loài thực vật, động vật, quần thể… rất phong phú, sống hòa hợp cùng nhau. Năm 2012, Bộ TN&MT đã công bố Báo cáo đa dạng sinh học quốc gia, trong đó nhấn mạnh biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH).

Bảo vệ cuộc sống con người

Trong nhiều năm qua, ngoài việc liên tục tổ chức các chương trình bảo vệ môi trường, hoạt động bảo tồn ĐDSH luôn được Sở TN&MT TP.HCM tuyên truyền mạnh mẽ. Điều này thể hiện qua các sự kiện Ngày môi trường thế giới, Hội thi vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cấp TP; Chúng em cùng nhau bảo vệ rừng hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học… Gần đây nhất là hội thi vẽ tranh bảo vệ biển, đảo dành cho 800 em học sinh tiểu học, THCS.

Ai cũng biết ĐDSH rất cần thiết cho sự tồn tại của loài người. Thế nhưng không chỉ biến đổi khí hậu mà chính hành động săn bắn, tiêu thụ các loài động vật hoang dã của con người đã tác động vào ĐDSH.

Ngày 12-8, anh Lâm Thuận (36 tuổi, cư trú tại TP.HCM) đã liên lạc với Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) để bàn giao một cá thể tê tê Java về bảo tồn. Nhận được tin báo, SVW nhanh chóng cử cán bộ vào TP.HCM để kiểm tra sức khỏe cho cá thể tê tê này.

Đây là một tê tê cái, nặng 4 kg, bị thương ở đuôi, bàn chân trước bên trái bị cụt. Vì sức khỏe quá yếu và đang bị thương nên các cán bộ nhận định không thể thả tê tê về tự nhiên lúc này.

Chuyên gia của SVW và Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đang kiểm tra sức khỏe cho cá thể tê tê. Ảnh: SVW

Ước mong tê tê bình phục

Trải qua quãng đường dài 60 km, anh Thuận cùng SVW đến Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) để tiến hành chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho tê tê. Anh Thuận chia sẻ một người bạn đã tặng anh con tê tê này. Tìm kiếm thông tin trên Internet, anh biết đây là loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn bắt quá nhiều.

Anh nói: “Thật may mắn là tôi đã liên lạc được với SVW. Nếu không tôi không biết sẽ làm như thế nào để cứu tê tê vì nó quá yếu. Tôi cũng rất cảm phục tinh thần làm việc và sự tâm huyết của nhân viên SVW. Giờ đây tôi chỉ mong muốn tê tê sớm bình phục và được tái thả về tự nhiên. Tôi rất mong được tận mắt nhìn cảnh đó”.

Mới đây nhất, SVW đã cứu hộ thêm 56 cá thể tê tê tại Thanh Hóa và tiếp nhận bảy cá thể tê tê từ Vườn quốc gia Pù Mát. Đặc biệt, trong số cá thể tê tê tiếp nhận từ Vườn quốc gia Pù Mát có hai cá thể tê tê vàng - là loài rất khó tìm thấy ở Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tê tê là loài động vật hoang dã, quý hiếm được xếp vào danh sách “nguy cấp”, được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013.

Nếu chúng ta ai cũng có ý thức, chủ động ngăn chặn, nói không với việc tiêu thụ động vật quý hiếm thì đó là việc làm rất ý nghĩa nhằm xây dựng tương lai phát triển bền vững.

UBND tỉnh Đồng Tháp, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Coca-Cola tiếp tục phối hợp triển khai dự án Bảo tồn ĐDSH, Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Đây là dự án được triển khai từ năm 2007 với ngân sách lên đến 1,2 triệu USD (khoảng hơn 26 tỉ đồng).

 Dự án tập trung triển khai các giải pháp nhằm khôi phục môi trường sống tự nhiên cho các loài chim quý hiếm, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương. Điều này được thực hiện thông qua việc phát triển du lịch sinh thái, khai thác tài nguyên rừng bền vững, góp phần bảo vệ ĐDSH.

Theo số liệu thống kê từ WWF, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar đầu tiên ở ĐBSCL có khoảng 12.000 con cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 con cò trắng đến sinh sống, sinh sản tại đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm